giận rồi hối, hối rồi sợ, chỉ trong giây phút mà lớp sóng bể lòng dâng lên hạ xuống không biết là bao nhiêu lượt, thổn thức gan vàng, như tơ vò rối, nhìn đèn ngồi lặng, gập sách thở dài...
Chợt lại nghĩ ra rằng: Mình nghĩ quẩn nó ra thế đó thôi, chàng là giống đa tình, thấy hoa chắc biết ý ta, chả có lẽ lại nói với thằng nhỏ được. Nhân sẽ hỏi con Thu: Thằng nhỏ nói thế thôi hay có nói gì nữa? Con Thu thưa: không; bấy giờ nàng mới chắc dạ, lại tươi mặt lại, cũng theo như lời chàng dặn thằng nhỏ mà dặn con Thu rằng: Từ rầy cấm mày không được bép xép với thằng nhỏ; bảo không được thì ốm đòn đó, nghe chưa? Con Thu vâng lời...
Nửa đỉnh hương tàn, một bình nước đặc; cái cảnh ngồi đêm ở nhà trọ, chỉ thế là cùng. Bấy giờ trăng soi vằng vặc, gió thổi hiu hiu, Mộng-Hà khêu đèn ngồi chờ, Bằng-lang cắp sách vào học; học xong buổi, chàng đưa cho Bằng-lang một phong thư mà bảo: Cầm cái này về đưa cho mẹ con; lại nhắc lời nói với mẹ con: nợ cũ Hồng-lâu, phải liệu trả đi mới được! Bằng-lang không hiểu ra thế nào, nhẩm kỹ lấy lời thầy dặn, rồi cầm thư về nói với Lê-nương... Ta tiếp phong thư, thế có chăng thì thế! tai nghe câu nói, lòng âu đã tỏ lòng; nàng liền rút trâm bóc phong thư, để lại gần đèn mà đọc... Thư rằng:
« Mộng-Hà không may, xấu số mười năm, xa nhà ba tháng; trăng tàn gió sớm, ném chén quỳnh từ dã quê hương; sóng biếc sông xuân, buông chèo quế tìm sang đất khách. Nhờ được lượng trên không hẹp, dẫu rằng tài mọn cũng thương; lông cánh giống nhà, cháu trứng nước giao cho dậy học, nắng mưa đất lạ, phận bèo mây được chỗ yêu thân. Nước rót cơm bưng; đã non một tháng, ơn đền nghĩa trả, chưa thỏa tấc lòng; mà xem bề đãi khách ân cần, mỗi ngày một hậu; khiến cho kẻ cùng đường cảm-khích, dẫu thác không quên.....