đã dần dần lại được như trước. Chỉ có gió thì kinh lắm, không dám bước ra cửa mấy khi. Phòng không vắng bạn, lại cầm bút viết nhăng, hoặc làm câu thơ ngắn để gửi ý xa xôi, hoặc viết bức thư dài để tỏ lòng thương nhớ; mà Bằng-lang thì đi về đưa đón, suốt ngày quần-quật như con én trên mái nhà. Như thế được hơn mười ngày. Nàng đãi chàng càng tử tế mà chàng mến nàng càng thiết tha. Tấm tình của đôi bên, sức nóng bỗng chốc bốc lên đến bên trên trăm độ!...
Chàng vì ốm nghỉ việc, đã đến hai tuần. Bấm đốt ngón tay, tính hành-trình của Thạch-si, thì có lẽ đã sang tới Nhật. Nước non cách trở, còn chưa thấy được cánh tem về thăm hỏi bạn tâm-giao. Trong khi chàng ốm, ông cụ đẻ ra Thạch-si cũng sai người đến hỏi thăm mấy lần. Bấy giờ bệnh đã khỏi hẳn, nằm yên một xó cũng buồn bực quá. Vì vậy chàng quyết ý hôm sau thì ra trường dậy học, và định đến thăm ông cụ đẻ ra Thạch-si trước, một là tạ ơn săn sóc trong khi mình ốm, hai là hỏi thăm sự thể sau khi bạn đi. Định bụng thế rồi, hôm ấy đi ngủ sớm, dưỡng sức để hôm sau đi sớm.
Tảng sáng chàng đã rậy. Rửa mặt xong, thấy trời còn sớm, sợ sáng ra cảm lạnh, nên chưa đi ngay. Đứng ngồi quanh quẩn, sực nhớ đến mẹ già, liền vào bàn viết thư, nói rõ cận trạng của mình. Chỉ có việc đau yếu thì không nói vào trong thư, sợ mẹ già nghe tin lại đem lòng áy náy. Phong bì gián-kín, gọi thằng nhỏ đem bỏ ra hộp thư.
Quanh nhà tiếng quẹt tưng bừng. Báo cho chủ biết tin mừng chi đây!... Đồng hồ trên vách đánh mười tiếng, chàng vừa toan khóa cửa ra đi, thì người đưa thư bỗng đưa hai phong thư đến. Chàng cầm một phong xem, thấy trên có đề chữ « Thạch-si, gửi ở Trường-kỳ » thì mừng lắm, vội mở ra xem. Trong thư đại khái nói: Em sang Nhật chuyến này, sóng im gió lặng, ăn ngủ như thường, xin nói để anh yên lòng. Duy có sáng hôm