Ngày tháng quê người, đi nhanh như chớp; ngẩn ngơ trăm nỗi, dùi mài một thân; nhớ mẹ sớm hôm vò võ, mưa nắng một mình; thương anh bèo nước bơ vơ, xa xôi muôn dậm. Buồn trông mây bạc, nào thấy cánh hồng. Khách du lận đận đường cùng; nghĩ lòng đã xót xa lòng đòi cơn. Huống chi ngày xuân thấm thoắt, mối sầu rối tung; ba sinh mộng cũ, chẳng qua in lại vết tàn; một tập thơ tình, nào biết gây ra duyên mới. Nghĩ lại nào lúc chôn hoa, nào khi đắp đất, chẳng qua nhân lúc ngồi buồn, bầy trò giải trí, biết đâu vì thế mà thành ra rước nhớ cưu hờn. Kiếp người vui tẻ, nào chắc thế nào; tin tức đoạn trường, hỏi làm chi nữa... Bấm đốt ngón tay, được mấy lúc mà áo rét đã thay, quạt là đã đắt, quang âm vì vụt, gan ruột nấu nung. « Đã sinh ra số long đong, nghĩ bao nhiêu lại đau lòng bấy nhiêu. » Tuổi hoa năm một thêm nhiều, dạ phiền ngày một thêm chiều đeo đai. Lấy gì khuây khỏa một vài? Mộng tàn như khói, ngày dài hơn năm.
Chàng đáp thơ hôm trước thì hôm sau chủ-nhật. Mọi khi hễ được ngày nghỉ thì chàng lại cùng Thạch-si giắt tay ra cửa, đem theo một thằng hầu; lên núi hóng mát buông thuyền làm thơ, nghe chim hót, rót rượu mời, tìm chơi các phong cảnh hữu tình, suốt ngày vui vẻ. Đến bây giờ thì cảnh ở người đi, khôn tìm thú cũ đi chơi không bạn, không bằng nằm nhà còn có thú hơn. Bởi vậy hôm ấy chàng không ra trường thì cũng lười không muốn bước chân ra cửa; quét đất đốt hương, ngồi xếp bằng, lấy tập « Nghi-Vũ » của Vương-thứ-Hồi ra đọc; lời lẽ văn hoa, ý tứ sâu sắc, sợi tơ tình lại thấy vấn vương. Gấp sách thở dài, bước ra trước sân, thì đất hoang một nấm, cỏ mọc xanh rì, mảnh bia còn đó trơ trơ, chợt nhìn đến mà chàng lại can trường đứt nát. Nguyên từ sau khi chôn hoa, gió sớm trăng chiều, chàng thường lần bước đến bên mồ-hoa, tận tình khóc lóc. Vết lệ chan hòa, từng lâu từng mới, hồn hoa tuy đã chết song được nước mắt của chàng sớm hôm đem tưới, thì dần dần