Đêm hôm 28 tháng giêng năm Bính-thìn là năm Duy-tân thứ 10, lịch tây 1916, Nguyễn-khắc-Hiếu hiện thân ở cố-lý mà tinh-thần tri-giác man-mác tại tha-hương.
Thời thấy:
Cùng hai người bạn thân, Lệ-Trùng và Thu-Thủy, cùng chơi núi Sài-sơn, lên chợ Giời. Ngó xuống chân núi thời lom-nhom đá mọc, hớn-hở huê cười, các người đi chơi xuân nối nhau một giải như con rắn lượn lối đường quanh; trông ra bên giời thời một ngàn mây bạc, mấy vệt rừng xanh. Giang sơn một thú hữu tình, bức tranh xuân-sắc như gần như xa.
Lệ-Trùng. — Giời mỗi năm một lần xuân, thời giang sơn cũng mỗi năm một lần xuân; thời trăm năm trăm lần xuân; nghìn, vạn, ức, triệu, hằng-hà sa-số năm thời nghìn, vạn, ức, triệu, hằng-hà sa-số xuân. Mà tiếc cho thân-thế con người ta, tuổi đã đi không bao giờ lại! tóc đã bạc bao giờ lại xanh! Cho nên người đời xưa vui chơi non nước mà hay sinh một mối cảm-tình, thời như chúng mình ngày nay, cũng sao được không có mỗi người một tư-tưởng riêng?
Thu-Thủy. — Vui chơi non nước mà hay sinh một mối cảm-tình, thời dẫu người đời xưa hay chúng ta, cũng chẳng qua muốn đem thân danh cùng giang sơn cùng lưu-truyền, thời cũng là một hứng-thú chung của các người đi chơi trong lúc du thưởng thế mà thôi.
Lệ-Trùng. — Giang sơn to nhớn như thế, trông như hữu tình, mà thực là một vật vô tình, cho nên thọ. Thân hình con người ta rất nhỏ mọn, lại các cái lo