Gần ở đấy lại có một cái hang sâu, tục gọi là hang Cắc-cớ. Xuân-Hương cũng đến tận nơi xem để đề vịnh, Thơ rằng:
Giời đất sinh ra đá một chòm,
Nứt làm đôi mảnh hỏm hòm hom.
Kẽ hầm rêu mốc trơ toen hoẻn,
Luồng gió thông reo vỗ phập phòm.
Giọt nước hữu-tình rơi lõm bõm,
Con đường vô-ngạn tối om om.
Khen ai đẽo đá tài xuyên tạc,
Khéo hớ hênh ra lắm kẻ dòm.
Xuân-Hương lịch lãm chơi bời, trải xem phong cảnh núi non ở vùng Kim-bảng, rồi dần dần đi vào Thanh-hóa. Khi bấy giờ giời gần xế chiều, Xuân-Hương muốn tìm chỗ nghỉ ngơi, trông qua bên kia suối, thấy có mấy nhà quán-khách, nhà gianh vách sậy, thôn quê xào xạc, Xuân-Hương mới rấn bước bước lên, qua dịp cầu suối, đứng lại nhìn xem phong cảnh. Thơ rằng:
Đứng chéo trông theo cảnh hắt heo,
Đường đi thiên thẹo quán treo leo.
Lợp lều, mái cỏ gianh xơ xác,
Xỏ kẽ, kèo tre đốt ngẳng nghiu.
Ba chạc cây xanh hình uốn éo,
Một dòng nước biếc cỏ leo teo.
Thú vui quên cả niềm lo cũ,
Kìa cái diều ai gió lộn lèo?