Có trời mà cũng tại ta,
tu là cội phước, tình là dây oan.[1]
Túy-kiều sắc-sảo khôn-ngoan,
vô duyên là phận hồng-nhan đã đành.
Lại mang lấy một chữ tình,
khư-khư mình buộc lấy mình vào trong.
Vậy nên những chốn thong-dong,
ở không yên-ổn, ngồi không vững-vàng.
Ma dắc lối, quỉ đem đàng,
lại tìm những chốn đoạn tràng mà đi.
Hết nạn ấy đến nạn kia,
thanh-lâu hai lượt thanh-y hai lần.[2]
Trong vòng giáo dựng gươm trần,
kề răng hùm sói, gởi thân tôi-đòi.
Giữa dòng nước chảy sóng dồi,
trước hàm rồng cá, gieo mình thủy tinh.
Oan kia theo mãi vuối tình,
một mình mình biết, một mình mình hay.
Làm cho sống đọa thác đày,
đoạn trường cho hết kiếp nầy mới thôi.
Giác-duyên nghe nói rụng-rời,
một đời nàng hỡi thương ôi còn gì!
Sư rằng: song chẳng hề chi,
nghiệp duyên cân lại nhắc đi còn nhiều.
Xét trong tội-nghiệp Túy-kiều!
mắc đều tình-ái khỏi đều tà-dâm.[3]
- ▲ — Tình ái là như dây oan nó ràng buộc lấy mình.
- ▲ — Bị làm đĩ hai lần, một lần tại Tú-bà, một lần tại nhà Bạc-hạnh — Bị làm đầy tớ hai lần. (Làm con đòi thì phải mặc áo xanh, nên kêu là thanh-y): Một lần tại nhà bà Phu-nhơn là mẹ Hoạn-thơ, một lần nữa tại nhà con Hoạn-thơ.
- ▲ — Mang đều tình ái thì có, mà cái bụng tà-dâm thì không.