để mà dùng, sở-dĩ mấy năm nay có cho đi tiễu-bộ, mà vẫn không hay trừ-diệt được một tí gì cả. Đại-nhân có chí yên dân, phải nên kén dùng lấy những quân-tướng vô-địch có lòng trung-thành với nhà vua mà không giao-thông với giặc, thời quân giặc dẫu giạn-hoạt đến đâu cũng là trừ được hết.
Quế-Phương giơ tay lên mà rằng:
— Lời hiền-khế nói thực là rõ hết cái tệ đó. Nhưng nay những người dùng được việc thực là khó tìm được người, biết tính sao được?
Hoàng Nhượng nói:
— Nay có Lý công-chúa ở trại Gia-quế thực là trung-trinh tố-trứ, Mai Anh ở trại Thiên-mã thực là tướng-dũng binh-cường, lại có người học-sinh ở Trình-hương là Hoàng Quỳnh hai trại vốn là khâm-phục. Khi trước đã đem quân đánh giặc Hỏa-đái, binh không dây máu chỉ đánh một trận là phá tan được ngay. Chỉ vì kẻ đương-sự bấy giờ họ ghen ghét, làm cho hỏng mất mưu-kế, mà mai-một mất công-trạng đi, nên mới di-họa đến bây giờ. Đại-nhân nếu hay lấy ơn kết-nạp, chiêu-lai cho theo về, thời quân giặc có thể hẹn ngày mà bình được.
Quế-Phương nghe nói, vỗ tay cả cười mà rằng:
— Không có lời hiền-khế nói, thì ta xuýt nữa quên đi mất.
Liền sai chư-ty tra rõ công-trạng trước sau của Phùng-Ngọc đem những công hàng giặc Thiên-mã, đánh giặc Hỏa-đái đều đổ cho là công Phùng-Ngọc cả. Lại tâu rõ cái tình-trạng trung-trinh của Lý công-chúa và Mai Anh đã xin qui-thuận; xin giáng tờ sắc-chỉ sai hai trại đem quân đi tiễu-diệt quân giặc. Tờ biểu tâu lên vua cả mừng, lập tức xuống tờ chiếu thăng cho Phùng-Ngọc làm Thị-lang, cho đeo ấn Chinh-khấu tướng-quân đi đánh giặc. Khi chiếu-thư ban xuống đến nơi, quan Ngô Tổng-đốc liền cho Hoàng Nhượng làm quan Tuần-phương, đệ tờ chiếu-thư đến trại Gia-quế. Thực là:
Gia-quế vừa truyền lời ngọc-chiếu,
Sái-đầu đã trỏ ngọn kim-qua.