Trang:Nam Hai di nhan liet truyen.pdf/58

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.
— 58 —

cảnh cho vui tuổi già. Nhưng cứ đến ngày sóc vọng thì lại vào chầu vua một lần.

Trong lòng ngài lúc nào cũng thương đến dân. Khi ngài từ quan về rồi, treo hai cái rỏ tre ngoài cổng ngõ, phàm dân gian ai có điều gì oan uổng, cho bỏ giấy vào hai cái rỏ ấy. Mỗi khi ngài vào chầu Kinh-đô, thì tâu lên vua để gỡ hết oan cho người ta. Tuy vậy, ngài không thèm kể ơn với ai, cứ đạo công bằng mà cứu cho thôi, nếu ai đến tạ ơn thì ngài lấy làm ghét lắm, và không cho vào đến cửa. Vì thế ai cũng phục bụng ngài.

Ngài thọ 80 tuổi mới mất. Vua nhớ người nhân-đức, phong làm Thành-hoàng làng ấy, sai dân lập miếu thờ.

Từ khi ấy nhà ngài thịnh-vượng lắm, con cháu làm quan khắp triều-đình, mà thời nào cũng có người hiển-đạt, hơn 200 năm, không lúc nào hết người làm quan. Tục có câu rằng: « Đánh giặc họ Đinh, làm quan họ Đặng. »


CHƯƠNG THỨ IV

Các bậc văn-tài

21. — Nguyễn-Hiền

Nguyễn-Hiền quê ở làng Hà-dương, huyện Thượng-nguyên (Nam-định). Đỗ thủ-khoa năm Bính-ngọ thời vua Thái-tôn nhà Trần, đến năm sau thi đình đỗ Trạng.

Nguyễn-Hiền thông minh từ thủa nhỏ. Khi 6, 7 tuổi học nhà sư ở chùa, nhà sư mỗi buổi dạy 10 tờ giấy, Nguyễn-Hiền chỉ học qua là thuộc lòng.

Một hôm nhà sư tụng kinh vừa xong, vào phòng nằm nghỉ, mơ thấy phật giáng xuống bảo rằng: « Nhà sư sao không biết bảo Trạng, cứ để cho lên chùa nhờn với Phật. » Nhà sư tỉnh dậy soi đèn xem các tượng phật, thì thấy sau lưng một tượng có chữ đề: « Phạt 30 trượng, » và sau mình hai tượng hộ-pháp thì có chữ đề: « Phạt 60 trượng ». Nhận nét chữ thì chính chữ ông Nguyễn-Hiền. Nhà sư quở mắng Nguyễn-Hiền, bắt phải lấy nước tẩy đi.