Trang:Nam Hai di nhan liet truyen.pdf/59

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.
— 59 —

Nguyễn-Hiền học các sách, qua mắt một lượt là nhớ ngay. Thơ từ phú sách, nói ra tức là văn chương. Năm 11 tuổi, đã nổi tiếng thần-đồng, bấy giờ có người học-trò ở Kinh-bắc tên là Đặng-Tính, tự thị tài mình hơn cả đời. Nghe tiếng Hà-dương có thần-đồng, đến chơi tận nhà, thử xem tài học ra làm sao. Khi đến ra một bài phú:

« Phụng-hoàng sào vu A-các, Kì-lân du vu Uyển-hựu ».[1]

Nguyễn-Hiền đọc ngay bốn câu rằng:

« a) Qui phi Lạc-thủy,[2]
« b) Long bất Mạnh-hà.
« c) Ý bỉ Hữu-hùng chi quốc,
« d) Ấp vu Trác-lộc chi a. »

Đặng-Tính mới nghe được bốn câu, đã lắc đầu le lưỡi nói rằng:

— Thiên tài xin nhường bác trẻ tuổi này!

Năm ấy thi đỗ thủ-khoa. Năm sau vào thi đình, vua ra bài phú: « Áp tử từ kê mẫu phi hồ. »[3] Văn Nguyễn-Hiền hay nhất, vua cất lên đỗ Trạng-nguyên, bấy giờ mới 12 tuổi.

Trạng vào bái mạng vua trong sân rồng, vua thấy còn bé loắt choắt, lấy làm lạ, hỏi rằng:

— Trạng nguyên học ai ở nhà?

Trạng thưa rằng:

— Tâu bệ-hạ, tôi sinh ra đã biết ngay, chỉ còn chỗ nào tôi không biết, thì hỏi nhà sư một vài chữ mà thôi.

Vua thấy Trạng ứng đối, chưa biết lễ-phép, ăn nói không được khiêm-tốn, mới cho về học lễ-phép, ba năm rồi mới dùng làm quan.

Nguyễn-Hiền về nhà ở không được bao lâu, có sứ Tàu đem một bài thơ ngũ-ngôn sang thử nhân tài nước Nam.


  1. Nghĩa là chim phụng-hoàng làm tổ trên gác A-các, con Kì-lân ra chơi ở vườn Uyển-hựu.
  2. a) Không phải con rùa ở sông Lạc-thủy.
    b) Không phải con rồng ở sông Mạnh-hà.
    c) Ấy kia nước Hữu-hùng. (hùng có nghĩa là con gấu).
    d) Đóng đô ở gò Trác-lộc (lộc nghĩa là con hươu). Câu nào cũng có giống cầm thú cho nên hay.
  3. Nghĩa là con vịt từ giã mẹ gà về hồ.