Bước tới nội dung

Trang:Nam Phong Tạp Chí 2.pdf/47

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này cần phải được hiệu đính.
123
TẠP TRỞ

Hô gọi: « Chi-lặc! Chi-lặc! » Một viên đội đứng dừng lại bảo tôi rằng: « Này anh thử nhìn cái đống tuyết kia, có phải rõ hình hai chân, cái súng, hai cánh tay, cái đầu không? »

« Quan đại-úy đứng đấy nói rằng:

« — Chi-lặc nó bé nhỏ, cái này nhớn quá, người đâu có thế.

« Nói rồi quan đại-úy đi.

« Chúng tôi bới tuyết lên, thì quả là hắn, không sai. »

Nhời nói lắm khi có cái thần-lực lạ. Như một câu « cái này nhớn quá, người đâu có thế », tôi vừa nghe thấy mà tưởng giời đất muốn rung động thổn-thức như tấm lòng người vậy...

Ph. Q.
Dịch pháp-văn của Georges d’Esparbès

Bình phẩm sách mới

Một tấm lòng, của ông Đoàn-như-Khuê soạn. — In tại nhà in Mạc-đình-Tư năm 1917. Giá bán: 0$25

Xem chừng văn quốc-ngữ ta có cơ tiến-bộ được. Gần đây đã thấy lác-đác một vài người lưu-tâm chú-ý đến văn-chương nôm. Cái nhiệt-thành ấy tuy cũng chưa lấy gì làm sốt-sắng lắm, nhưng so với cái lạnh-nhạt khi trước thì cũng là một triệu-chứng tốt. Mới rồi ông Tản-Đà Nguyễn-khắc-Hiếu đã hiến bọn ta một Khối tình con, khiến cho ta còn mong mỏi sắp được một « khối tình nhớn » nữa. Nay ông Hải-nam Đoàn-như-Khuê lại tặng ta Một tấm lòng, hứa sẽ tiếp theo sau này một tập Cảo-thơm. Nếu từ giờ đến ít lâu lại xuất-hiện được một ông Hải-đông hay ông Nùng-Nhị nào nữa thì quả nên vui, nên mừng thay cho cái tiền-đồ quốc-văn vậy.

Ta đã có dịp bàn về thơ-văn ông Tản-Đà mà chào mừng ông là một nhà làm văn có biệt-tài.[1] Nay hẵng hoan-nghênh riêng ông Hải-nam mà cám ơn ông cho ta cái quà rất quí báu, vì còn quà gì quí bằng « một tấm lòng » người! Người đời ai tặng nhau vật gì thường hay gửi chút lòng thành theo sau. Nay ông cho ta cả « tấm lòng » của ông thì há chẳng nên vui lòng mà đón tiếp rư? Huống tấm lòng ông lại có lắm vẻ vui sầu, lắm mối cảm-động, khiến cho lòng ta cũng đồng thanh mà đồng điệu, cùng khóc cùng cười, cùng than-vãn mà cùng mỉa-mai!

Ông Đoàn-như-Khuê là người đa-sầu mà là người đa-cảm, bởi đa-cảm nên đa-sầu. Người ta đã không phải là giống mộc-thạch, thì đối với cảnh-vật, đối với sự đời, thường có cảm, kẻ ít người nhiều, xưa nay ai là người chẳng có? Nhưng cái đặc-sắc của « tấm lòng » kẻ thi-nhân là biết cảm sâu hơn người thường, bởi thế mà cảm dễ sinh ra sầu. Đã mang cái sầu ở trong lòng, thì không còn gì khiến cho vui được nữa, tưởng mình đứng trong trần-thế như cái cù-lao trong « bể thảm », bể bát-ngát mà mênh-mông, vô-cùng mà vô-tận,

Bể bao nhiêu nước, bao nhiêu thảm,
Lấp chẳng đầy cho, tát chẳng vơi!

Bởi thế mà gây nên những nhời thiết-tha ai-oán, than cái thân-phận con người trong cõi phù-sinh:

Mới lọt lòng ra đã khóc rồi,
Kiếp trần ngán lắm chị em ôi!
Một lần mình khóc lần người khóc,
Sống thác đôi lần giọt lệ rơi!


  1. Bài bình-phẩm sách « Khối-tình con » của ông Hiếu in trong báo Đông-dương tạp-chí, số 120-121.