« trí » nghĩa là đến vậy, như chữ « trí » ở trong câu « tang trí hồ ai 喪 致 乎 哀: Sự tang đến sự thương xót là hết »; kinh Dịch nói: « tri chí, chí chi 知 至,至 之», chữ « tri chí » ấy là nghĩa chữ « tri » ở đây vậy; chữ « chí chi » ấy là nghĩa chữ « trí » ở đây vậy. Nghĩa chữ « trí-tri » không phải như hậu-nho cho là mở rộng cái tri thức ra đâu, mà chính là trí cái lương-tri của tâm ta vậy. Cái lương-tri ấy, Mạnh-tử gọi là cái lòng phải trái, ai cũng có vậy; cái lòng phải trái không đợi nghĩ mà biết, không đợi học mà hay, thế gọi là lương-tri, ấy là cái tính của thiên-mạnh, cái bản-thể của tâm ta, tự-nhiên linh-chiêu minh-giác vậy. Phàm ý niệm phát ra cái gì thì lương-tri tự biết hết cả. Thiện chăng? lương-tri tự biết; không thiện chăng? lương tri cũng tự biết; cho đến như kẻ tiểu-nhân làm điều bất thiện, dở đến đâu cũng làm, thế mà khi thấy người quân-tử, vẫn che đậy những điều dở, mà phô bày những điều hay ra, thế đủ rõ rằng cái lương-tri nó vẫn không chịu tự nó làm mờ tối đi vậy. Nay muốn phân biệt thiện ác để thành-ý, chỉ cốt ở sự noi đến cái chỗ biết của lương-tri vậy. Tại sao? Vì rằng: ý niệm phát ra cái gì mà lương-tri của tâm ta đã biết là thiện rồi, nếu không có cái thành để yêu điều thiện ấy, mà lại trái bỏ đi, thế là lấy điều thiện làm điều
Trang:Nho giáo 4 Trần Trọng Kim.pdf/121
Giao diện