những sự nghiệp đã làm về việc chính-trị và võ-bị, ông lại hết lòng lo việc mở-mang văn học, thật là một bậc danh-thần có phong-thể chẳng kém người đời xưa bên Tàu. — Những người ấy tuy không phải là người học-giả chuyên nghề luận đạo và làm văn, nhưng chính là người đã đem cái tinh-hoa nho-học mà thi-thố ra ở công việc làm, cho nên ta có thể gọi là danh nho được vậy.
Đến đời nhà Trần, nho-học thịnh hơn đời nhà Lý và có nhiều nho-giả chân-chính, như: Mạc Đĩnh-Chi 莫 挺 之, tự là Tiết-phu 節 夫, đỗ trạng-nguyên đời vua Trần Anh-tôn (1293-1314). Ông người thấp nhỏ xấu-xí, nhưng thông minh lạ thường, và làm quan rất thanh-khiết. Khi ông sang sứ bên nhà Nguyên, thường lấy văn-chương làm cho người Tàu phải phục. — Nguyễn Trung-Ngạn 阮 忠 彥, tự là Giới-hiên 介 軒, đỗ hoàng-giáp đời vua Trần Anh-Tôn, có tài chính-trị và lại giỏi biện luận. Có bộ sách Giới-hiên toàn-tập 介 軒 全 集 truyền ở đời. — Trương Hán-Siêu 張 漢 超, tự Thăng-am 升 庵, làm quan đời vua Trần Anh-tôn và Trần Minh-tôn. Tính ông rất cương nghị và giỏi cả văn-chương và chính-trị. — Lê Lạp 黎 拉, tự là Bá-đạt 伯 達, làm quan đời vua Minh-tôn và Dụ-tôn, lấy sự làm sáng cái đạo của thánh-nhân