tổ nhà Minh, cho con các quan và những người tuấn-tú trong dân gian, ai thông văn nghĩa thì được vào làm quốc-tử-sinh. Năm sau có chiếu nhà vua lập nhà học nhà hiệu ở các quận huyện. Lệ định ở phủ đặt một viên giáo-thụ và bốn viên huấn-đạo; ở châu đặt một viên học-chính và ba viên huấn-đạo; ở huyện đặt một viên giáo-thụ và hai viên huấn-đạo. Những sinh-viên đến học thì được miễn việc sưu dịch. Từ đó sự học ở trong nước lại hưng thịnh lên.
Năm Hồng-võ thứ ba (1370) vua Thái-tổ mở khoa thi, lấy kẻ sĩ. Lúc đầu vì nhà vua cần lấy người, cho nên thi luôn ba năm liền, rồi sau cứ ba năm thi một lần; tháng tám năm trước thi hương, tháng hai năm sau thi hội.
Năm Hồng-võ thứ sáu (1373) vua Thái-tổ thấy những người do khoa-cử cất lên đều là người có văn mà không có thực, bèn xuống chiếu tạm đình khoa-cử trong mười năm, rồi sai hữu-tư cất nhắc những người hiền tài, lấy đức hạnh làm gốc, văn nghệ làm thứ.
Năm Hồng-võ thứ tám (1375) vua thấy ở chỗ đô ấp đều có nhà học, mà ở chỗ thôn xã thì không, bèn xuống chiếu sai hữu-tư lập xã-học, cắt nho-sư đi dậy những con em ở dân gian. Học phong từ đó gần thịnh bằng đời Đường đời Tống vậy.