Đã gọi là lưu-hành bất tức, thì phải biến-đổi luôn, song biến-đổi phải lấy cái gì làm gốc, để cho sự biến-đổi của mình có căn-bản mà nghĩa-lý vẫn không mất. Vậy ta nói theo Nho-giáo là theo cái tinh-thần cường-kiện đem cái tư-tưởng của ta vượt lên đến cái lý nguyên-thủy, rồi cùng với vũ-trụ mà lưu-hành, mà tạo tác ra một cuộc nhân-sinh có đủ nghị-lực để đồng sinh đồng hóa với vạn vật, biết tùy thời mà ứng biến, nhưng không quên cái gốc cũ, để thành một hạng người có nhân-cách tôn quí, có lòng nhân-từ bác-ái, có cái sức mạnh-mẽ để cùng với thiên-hạ mà sinh tồn, mà ganh đua, mà xây đắp thêm một vài viên gạch viên đá vào cái nền chung của nhân loại.
Nói rút lại, ta muốn rằng người mình bây giờ phải theo thời mà học-tập: thực-nghiệp, kinh-tế, binh-gia, toán-pháp, vật-lý, hóa-học bao nhiêu những khoa trí-dục đều phải học như người ta, nhưng phải lấy Nho-giáo làm cái nền đức-dục, nghĩa là lấy cái nghĩa-lý lưu-truyền từ nghìn xưa mà gây lấy cái tinh-thần, dù ở vào cảnh-ngộ nào cũng có cái nhân-cách đặc-biệt, có cái phẩm-giá tôn-quí, không phụ cái tiếng nhân linh ư vạn vật. Nếu ta biết theo cái phương-châm ấy mà học tập, mà hành-động, thì cái nền giáo-dục của ta sau này chắc có nhiều hi-vọng lắm vậy.