cái tâm thuần-nhiên là thiên-lý, lúc nào cũng như cái gương soi vào đâu cũng rõ. Cho nên nói rằng: Thánh-nhân chi tâm như minh kính. Chỉ thị nhất cá minh, tắc tùy cảm nhi ứng, vô vật bất chiếu 聖 人 之 心 如 明 鏡.只 是 一 箇 明,則 隨 感 而 應,無 物 不 照: Cái tâm của thánh-nhân như cái gương sáng. Chỉ là một cái sáng, thì cứ tùy cảm mà ứng, không có vật gì là không chiếu rõ.» (Ngữ-lục, I). Cái tâm của thánh-nhân và cái tâm của người thường cũng một cái tâm, nhưng tâm của thánh-nhân như cái gương sáng, mà tâm của người thường thì như cái gương để bụi che mờ, chiếu không rõ nữa. Vậy nên sự học của người ta là phải giữ cái tâm, như phải lau cái gương luôn cho sáng, để có vật gì qua cũng thấy rõ. Đó là phần rất trọng yếu trong cái học của thánh-nhân, cho nên nói rằng: «Thánh-nhân chi học, tâm học giã 聖 人 之 學,心 學 也: Cái học của thánh-nhân là tâm-học vậy.» (Văn-lục, IV).
Tâm học. — Do cái lý-thuyết đã nói ở trên, mà Dương-minh lập thành cái tâm-học. Học là để biết rõ các sự vật, mà thù ứng cho hợp thiên-lý, tức là hợp với chân-lý. Sự biết ấy do ở cái tâm của người ta, hễ cái tâm đã sáng thì lo gì vật đến mà không soi rõ được. Vậy nên cái công-phu của sự học cốt ở sự