Cái học của Dương-minh tuy cực tinh-vi cực cao-minh. và vẫn chủ lấy sự thực-tiễn. Ông thấy người đời sùng-thượng hư văn, ngôn hạnh bất tương cố, cho nên trước ông xướng lên cái thuyết tri hành hợp nhất để chữa cái tệ-tập của mạt học, sau ông phát-huy ra cái thuyết trí-lương-tri để người ta thể-nhận được thiên-lý ở trong tâm. Đó là cách của ông thiết-giáo để tiếp dẫn người ta vào đạo vậy.
Tri-hành hợp-nhất.— Dương-minh xướng lên cái thuyết tri-hành hợp-nhất 知 行 合 一 từ khi còn ở Long-trường. Chỗ ấy là đất mọi rợ, ngôn ngữ không thông, chỉ một ít người Tàu đến đó kiếm ăn, ông đem cái thuyết ấy nói với họ, thì ai cũng nghe ra mà lấy làm thích. Lâu rồi đến những người rợ cũng vui theo. Năm sau ông về Quí-châu giảng cái thuyết ấy với bọn sĩ-phu, thì có nhiều người không hiểu được. Ông cho đó là vì bọn sĩ-phu đã có cái ý-kiến sẵn rồi, cho nên mới ngang ra như vậy.
Cái thuyết tri-hành hợp-nhất là căn-bản ở câu «tri chí, chí chi; tri chung, chung chi » ở thiên Văn-ngôn trong kinh Dịch. Tri chí là tri, chí chi là trí, tri tức là hành. Vậy tri với hành là một. Ông theo cái tôn-chỉ duy-tâm nhất trí mà lập ra thuyết này để đem học-giả