Trang:Nho giao 1.pdf/22

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.

26
NHO-GIÁO


Nho-giáo là một học-thuyết có thống-hệ và có phương-pháp. Cái thống-hệ của Nho-giáo là theo cái chủ-nghĩa thiên địa vạn vật nhất thể và cái phương-pháp của Nho-giáo thường dùng là phương-pháp chứng-luận, lấy thiên-lý lưu hành làm căn-bản. Nhưng phải biết rằng cái học-thuật của ta thường hay chú trọng ở lối dùng trực-giác. Sự tư-tưởng trong học-thuyết cũng như phương-pháp trong mỹ-thuật, phải dùng trực-giác mà xem cả toàn-thể, thì mới thấy cái tinh-thần. Nếu dùng lý-trí mà suy xét từng bộ-phận một, thì thường không thấy rõ gì cả. Thí-dụ xem những bức hội-họa của Tàu, nếu lấy trực-giác mà xem, thì thấy có nhiều vẻ thần-diệu lắm, nhưng lấy cái lý-trí mà suy xét, thì không ra thế nào cả. Vì rằng cái vẽ của Tàu chủ lấy cái đẹp cái khéo ở tinh-thần, chứ không cốt ở cái chân-hình bề ngoài. Có khi đối với cái hình-thức thì không được đúng lắm, nhưng đối với cái tinh-thần cả toàn-thể, thì thật là tinh-xảo vô cùng. Về đường học-vấn cũng vậy, phần thì người Tàu thường hay theo trực-giác mà tư-tưởng, rồi rút các ý-tứ vào mấy câu tổng-yếu rất vắn tắt để làm cốt, thành ra khi đọc những câu ấy phải lấy ý mà hiểu ra ngoài văn-từ mới rõ được hết các lẽ; phần thì lối chữ độc âm, tượng hình, tượng