Trang:Nho giao 2.pdf/131

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.

131
NHO-GIÁO


Sự sai lầm. — Tuân-tử nói rằng: « Cái tâm của người ta như mâm nước để ngay mà không động, thì những cái cặn cái đục lắng xuống dưới đáy, cái trong cái sáng nổi lên trên, có thể soi rõ râu mày và cả những cái ngấn mặt. Đến khi có ngọn gió thổi qua, cái cặn cái đục đọng ở dưới, cái trong cái sáng loạn ở trên, thì cả cái mặt cũng không thể soi rõ được. Tâm của người ta cũng vậy, lấy cái lý mà đạo-dẫn, lấy cái khí khinh-thanh mà nuôi, khiến cho ngoại vật không làm nghiêng-lệch được, thì đủ định được điều phải trái, quyết được việc hiềm-nghi. Nếu để một vật nhỏ quyến-dũ, làm cho cái ngay chính ở ngoài thay đổi đi, cái tâm ở trong nghiêng-lệch đi, thì dầu đến cái lý thô-thiển cũng không quyết được ». (Giải-tế, XXI).

Vậy bao nhiêu những điều sai lầm đều do ở cái tâm không định mà ra, cho nên kẻ học-giả phải biết tĩnh tư, biết chuyên-nhất để có cái định. « Phàm xem xét vạn vật mà có nghi-ngờ, trong tâm không định, thì không biết rõ những vật ở ngoài. Cái trí-lự của ta không biết rõ, thì chưa thể định được cái phải và cái không phải. Người đi lúc mờ-mờ tối, trông thấy hòn đá, cho là con hổ nằm, thấy đám cây trong rừng cho là có người đi sau: cái tối mờ che mất cái sáng vậy. Người say rượu nhảy qua cái ngòi một trăm bước,