Trang:Nho giao 2.pdf/130

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.

130
NHO-GIÁO


cái trung gọi là nói gian; việc gian, nói gian là đời trị bỏ, mà đời loạn dùng. Còn như sự thay đổi của cái đầy, cái rỗng, sự phân-cách của cái cứng, cái trắng[1], thì tai dầu suốt cũng không nghe ra được, mắt dầu sáng cũng không trông thấy được, dầu kẻ biện-sĩ cũng không nói ra được, dầu có cái biết của bậc thánh-nhân cũng chưa có thể cắt nghĩa vỡ ra được. Không biết những điều ấy cũng không hại gì cho người quân-tử, mà biết những điều ấy cũng không kém làm kẻ tiểu-nhân. Người làm thợ không biết những điều ấy cũng không cho làm cái khéo, người làm quan không biết những điều ấy cũng không hại cho làm việc trị; bậc vương công mà thích những điều ấy, thì làm loạn phép, người dân mà thích những điều ấy, thì làm loạn việc làm ». (Nho hiệu, VII).

Cái ý-kiến ấy của Tuân-tử quá thiên về sự công-dụng hẹp-hòi, vì ông nói hợp-lý, là nói hợp cái lý thường hành, còn cái lý cao-siêu thì không nói đến, thành thử những điều gì siêu-việt là bỏ hết, như thế chẳng hóa ra hiệt-hại cho tư-tưởng và triết-học lắm sao? Về sau Nho-giáo đến nỗi kém-cỏi là cũng bởi những ý-kiến như vậy.


  1. Sung hư 充 虛 là cái học của Lão Trang, kiên bạch đồng dị 堅 白 同 異 là cái học của Huệ-Thi và Công-tôn Long, đều là cái tư tưởng thuộc về triết-học và khoa-học.