Trang:Nho giao 2.pdf/169

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.

169
NHO-GIÁO


quân-vương; cái dở của mình, dẫu bậc trên không biết, cũng không nhận cái thưởng, không khoe cái hay của mình, không che cái dở của mình, cứ lấy tình thật mà làm hết cái lòng trung-trực, như thế gọi là kẻ trực-sĩ. Lời nói ngày thường là phải tin, việc làm ngày thường là phải cẩn-thận, sợ theo cái lưu-tục mà cũng không dám riêng một mình làm quá ra là người quân-tử, như thế là kẻ xác-sĩ. Nói không thường tin, làm không thường chính, chỉ biết có lợi mà thôi, hễ có lợi là khuynh-hướng theo, như thế là kẻ tiểu-nhân vậy » (Bất-cấu, III). Kẻ sĩ dẫu thế nào cũng không bỏ nghĩa mà theo lợi. « Thân lao nhi tâm an, vi chi; lợi thiểu nhi nghĩa đa, vi chi; sự loạn quân nhi thông, bất như sự cùng quân nhi thuận yên 身 勞 而 心 安,爲 之;利 少 而 義 多,爲 之;事 亂 君 而 通,不 如 事 窮 君 而 順 焉: Mình khó nhọc mà bụng yên, thì cứ làm; lợi ít mà nghĩa nhiều, thì cứ làm; thờ ông loạn-quân mà thông đạt, không bằng thờ ông cùng-quân mà thuận hành cái đạo ». (Tu-thân, II). Kẻ sĩ và người quân-tử thì lúc nào cũng lo sửa đạo, chứ không lo cái nghèo đói. « Sĩ quân-tử bất vị bần-cùng đãi hồ đạo 士 君 子 不 爲 貧 窮 怠 乎 道: Kẻ sĩ và người quân-tử không vì nghèo cùng mà lười bỏ cái đạo » (Tu-thân, II).