Trang:Nho giao 3.pdf/155

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.

155
NHO-GIÁO


biết hết các lẽ. Trong cái học ấy ông đề-xướng lên nhiều cái vấn-đề rất hệ-trọng về đường siêu-vật triết-học, tưởng những nhà triết-học ngày nay nên lưu tâm mà xét cho kỹ. Hiện nay chính những nhà vật-lý-học bên Tây xét điện-học đã thấy có nhiều điều rất tương hợp với cái lý-thuyết nói về đạo âm dương của Á-đông. Có lẽ rồi một ngày kia Đông Tây dung hóa với nhau mà tìm thấy rõ cái chân-lý chăng.

Thiệu Khang-tiết theo cái học tượng-số mà suy diễn ra cái học tu-dưỡng rất cao. Ông cho là người cũng sinh sinh hóa hóa như trời đất, chỉ khác có một lâu một chóng mà thôi. Song trong sự biến hóa của Vũ-trụ có một phần làm chủ động, không bao giờ tiêu diệt đi được. Phần ấy ở trời đất thì gọi là thiên-lý, ở người thì gọi là tính. Tính và thiên-lý cùng đồng một thể và rất thiêng-liêng, rất sáng-suốt, khiến người ta nhờ đó mà biết thiện ác. Thánh hiền sở dĩ nói tính thiện là cũng bởi lẽ ấy vậy.

Theo cái thuyết của Thiệu Khang-tiết thì có tính là có tình. Tình là cái phản-động của tính, như mặt trăng là cái bóng sáng của mặt-trời chiếu lại. Tính là thần, tình là quỉ, nghĩa là tính thì ngay lành, sáng suốt; tình thì quỉ quái, mờ tối. Vậy nên người ta cần phải phục