Trang:Nho giao 3.pdf/27

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.

27
NHO-GIÁO


cái đạo của thánh hiền, vì so với cái tôn-chỉ thuần-túy của Khổng-giáo đã kém đi nhiều, nhưng cũng còn gây được cái phong-khí rất hay ở trong xã-hội.

Xét kỹ ra, Hán nho có một điều lầm lớn, là từ vua Hán Vũ-đế trở đi, Nho-giáo thành ra cái học-thuyết nhất-tôn, làm cho nhân trí bởi đó mà không tiến-hóa được. Theo cái công-lệ thì bất cứ việc gì, hễ muốn có tiến-hóa tất phải có cạnh-tranh, có so-sánh, rồi cái hay mới hay hơn lên, mà cái dở mới mất dần đi. Nếu chỉ để một cái riêng giữ thế-lực, mà đè nén hết cả, thì cái thần-diệu của thiên-diễn không có nữa. Việc học-thuyết cũng vậy, khi người ta đã bãi truất hết cả các học-thuyết khác, chỉ tôn-sùng có một mà thôi, thì dẫu cái học-thuyết ấy hay thế nào rồi cũng hóa dở. Vì rằng nhân trí mà không có cái ngoại-lực kích-thích làm cho nó phải cố gắng để tiến lên, theo cho đúng sự lưu-hành biến-hóa của thiên-lý, thì dần dần tất là phải ứ-trệ, lâu thành ra hủ bại vậy.

Đạo của Khổng-tử là muốn: « Vạn vật tịnh dục nhi bất tương hại, đạo tịnh hành nhi bất tương bội » chứ không muốn nhất-tôn. Đó là vì Hán nho theo cái học của Tuân-tử mà làm trái cái tôn-chỉ của Khổng-học. Cái lỗi ấy Hán nho không từ chối được vậy.