thể đi được. Như vậy, nước Nam thật không thể tin cậy, nước Pháp cần phải dùng cách mà bênh-vực quyền-lợi của người Pháp.
Trước khi viết bức thư đó, Thống-đốc Le Myre de Vilers đã gửi thư về Pháp xin dùng võ-lực mà đánh đất Bắc-kỳ. Trong khi viết bức thư đó, hải-quân đại-tá Henri-Rivière đã theo lệnh súy-phủ sắp-sửa binh thuyền kéo ra Hà-nội.
Ngoài thì địch-quốc ròm-nom, trong thì nhân-dân không chịu hết lòng với nhà Vua, ở vào giữa tình-hình treo-leo như vậy, Hà-nội là nơi trọng-yếu của Bắc-kỳ, tất-nhiên phải chịu trước những sự nguy-biến sẽ xẩy ra ở trong xứ ấy. Thế thì cái chức Hà-ninh tổng-đốc, càng to-lớn, lại càng khó-khăn, nó đã dồn cho người ta vào chỗ « không chịu nhục thì phải chết »! Từ khi từ biệt triều-đình trở ra đất Bắc, Hoàng-diệu, cũng biết như vậy, nhưng mà vẫn coi như không. bởi vì theo ý ông, trong cơn nhà-nước nguy-nan, sỹ-phu có lương tâm, không nên nghĩ đến sự sống-thác.
Sau khi ra tới Hà-nội, Hoàng-diệu bên ngoài vẫn giao-thiệp với người Pháp bằng cách ôn-hòa, bên trong thì cứ xửa-đắp thành-trì, dự-bị khí-giới, và mộ thêm quân lính.
Chừng độ vài tháng, trong thành Hà-nội đã có hơn ba nghìn quân, và hơn ba trăm dũng-sĩ, Hoàng-diệu giao cho một viên Phó-bảng võ tên là Long cùng mấy viên cử-nhân võ, luyện-tập binh-pháp và các võ-nghệ. Chỉ trong mấy tháng, ba nghìn quân đó đã thành những đội tinh-binh, ba trăm dũng-sỹ đều trở lên những lính cảm-tử, binh-uy Hà-nội phấn-khởi hơn trước nhiều lắm.