Trang:Phật Lục - Trần Trọng Kim.pdf/7

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.
— 7 —

báo-thân ứng-thân cho nên mới nói rằng từ đời vô-thủy đến nay có Hằng-hà sa số Phật.[1]

Nay theo lịch-sử thì người đã thành Phật và đã sáng lập ra đạo Phật là đức Thích-ca mầu-ni. Khi Ngài đã đắc đạo rồi, Ngài đem đạo-lý dạy người ta biết bởi đâu mà có thế-gian và vạn vật, và tại sao mà có sự khổ-não ở đời, rồi Ngài chỉ bảo cho mọi người tự mình nên lấy cái bản-tính sáng-suốt mà phá tan cái mờ-tối, để giải-thoát ra ngoài luân-hồi sinh tử. Đến khi ngài diệt độ, nghĩa là Ngài đã về chỗ chân-như yên-lặng rồi, các đồ-đệ làm tượng Ngài thờ như lúc sống. Bởi vậy mới thành ra có sự thờ-phụng ở các chùa.

Về sau dần dần số tín-đồ nhiều ra, đạo-lý mỗi ngày một mở rộng. Trong số tín-đồ, có phái tu theo cái nghĩa tiểu-thặng, cố tu-hành để giải-thoát lấy mình; có phái tu theo cái nghĩa đại-thặng, lấy lòng từ-bi bác-ái mà tu-hành, không những là để cứu mình mà lại còn lo cứu người. Tiểu-thặng là cỗ xe nhỏ chỉ chở được một người, đại-thặng là cỗ xe lớn chở được nhiều người. Dùng sang nghĩa bóng là nói một phái tu lấy tự giác, tự lợi[2]; một phái tu để tự giác giác tha[3]. Cái nghĩa của hai phái Tiểu-thặng và Đại-thặng khác nhau là thế.

Phái Tiểu-thặng tuy cũng nhận có nhiều Phật khác, nhưng chỉ riêng thờ một đức Thích-ca mà thôi. Phái Đại-thặng thì không những thờ đức Thích-ca và đức A-di-đà, mà lại thờ cả các vị Bồ-tát, là những bậc đã tu đắc đạo, nhưng chưa được viên-mãn[4] như chư Phật. Các vị Bồ-tát đều có công-đức lớn ở lại trong thế-gian mà tế-độ chúng sinh. Vì the, sự thờ-phụng và đạo-lý của hai phái Tiểu-thặng và Đại-thặng có nhiều chỗ không giống nhau.

Đạo Phật ở nước Việt-nam ta, thuộc về phái Đại-thặng, cho nên ta cần phải biết rõ danh-hiệu và sự tích của chư Phật


  1. Hằng-hà sa số: Số cát ở sông Hằng, nghĩa bóng vô-số.
  2. Tự giác tự lợi: Biết lấy cho mình, lợi lấy cho mình.
  3. Tự giác giác tha: Biết cho mình rồi làm cho người biết.
  4. Viên-mãn: Toàn vẹn.