Trang:Phật giáo.pdf/57

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.

thông cả lục-đạo chúng-sinh, nhưng trừ nhân-loại ra, các loài chúng-sinh khác có nhiều loài không có đủ lục-căn, cho nên đây chỉ nói về người là giống có hoàn toàn đủ các cơ-thể, Vậy sau khi cái thức-tâm đã đầu thai rồi, do cái sức xiển-chuyển của Danh-sắc mà cái thai hấp lấy lục-trần là sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, thành ra có lục-căn là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Rồi dần dần lục-căn đều khai-trương ra để thụ-dụng được lục-trần. Ấy thế là Danh-sắc làm duyên cho Lục-nhập (V). Lục-nhập là những khí-cụ của ta dùng để xúc-tiếp với lục-trần ở ngoại cảnh. Vậy khi lục-căn đã thành-thục, bèn ở trong thai ra, xúc-đối với lục-trần mà nạp-thụ lấy. Ấy thế gọi là Xúc (VI). Trong khi xúc-đối với lục-trần ở ngoài, thì ta nạp-thụ được những sự yêu-thích hay ghét-bỏ, hoặc là những thế-lực của tiền-cảnh. Ấy thế là ta có sự cảm-giác, tức là Thụ (VII). Xúc với Thụ thì từ lúc sơ sinh cho đến lão-tử cứ tương-tục không lúc nào gián-đoạn.

Ngay lúc ta nạp-thụ mọi điều của tiền-cảnh, ta không rõ những điều ấy là hư-vọng, bèn theo nó ở cái cảnh mà sinh ra yêu-mến ham-thích. Ấy thế gọi là Thụ làm duyên sinh ra Ái (VIII). Vì sự yêu-thích mê-muội làm duyên, cho nên mới nhận-định những cảnh hiện-tiền mà sinh ra lòng muốn bảo-thủ những cảnh ấy, rồi cứ khao-khát, cố truy-tầm cho được. Dù bao nhiêu những sự ham-muốn yêu-thích của ta không mấy khi làm cho ta được thật thỏa thích, nhưng cũng đủ làm cho ta đắm-đuối vào sự sống ở đời, cho nên ta vẫn biết đời là khổ, mà cứ cố ôm lấy sự sống, cố giữ lấy sự sống cho được, cố lăn-lộn vào trong cuộc biến-hóa mà lấy sự sống. Ấy thế gọi là Thủ (IX).

57