Trang:Phật giáo.pdf/7

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.

trò rồi lại biến mất. Cho nên về đường triệt-để, thì Nho, Đạo và Phật đối với cuộc đời đều có cái tư-tưởng như thế cả. Song Nho-giáo thì cho rằng dù thế nào cũng là bởi cái lý tự-nhiên, mà đã sinh ra làm người để diễn các trò-tuồng, thì ta hãy cứ đóng các vai trò cho khéo, cho giỏi, khỏi phụ cái tiếng ra đóng trò. Đạo-giáo thì cho rằng đã là trò-tuồng, ta nên tìm chỗ yên-lặng để ngồi mà xem, tội gì ra nhảy-múa cho nhọc-mệt. Phật-giáo thì cho rằng các trò-tuồng là nguồn-gốc sự đau-buồn khổ-não, lăn-lộn vào đó làm gì cho thêm buồn thêm khổ, chi bằng tìm lối ra ngoài những cuộc múa-rối ấy, đến nơi yên-vui thảnh-thoi, khỏi phải ở những chỗ ô-trọc xấu-xa.

Cái tỉ-dụ giản-dị ấy có thể biểu-lộ được cái thái-độ và cái nền tư-tưởng của Nho-giáo, Đạo-giáo và Phật-giáo. Nho-giáo thì khuynh-hướng về đạo xử thế, Đạo-giáo và Phật-giáo thì khuynh-hướng về đạo xuất thế. Song Đạo-giáo vẫn ở trong sự biến-hóa càn-khôn, mà Phật-giáo thì ra hẳn ngoài càn-khôn.

Đó là nói cái đại-thể, chứ tựu-trung ba học-thuyết ấy, học-thuyết nào cũng có chỗ nhập thế-gian và xuất thế-gian. Ngay cái học thiết-thực như Nho-giáo mà cũng có người như Nguyên Hiến chịu an bần lạc đạo, không thèm ganh-đua danh-lợi ở đời, mà trong những người tin theo Đạo-giáo hay Phật-giáo, thường thấy có người cúc cung tận tụy với việc đời để cứu nhân độ thế. Vậy thì Tam-giáo tuy có khác nhau ở chỗ lập giáo và hành đạo, nhưng lên đến chỗ cùng-tột tuyệt-đối thì cùng gặp nhau ở chỗ lý-tưởng, cho nên vẫn dung-nạp được nhau. Đó là cái đặc-sắc của các tông-giáo ở Á-đông.

Nhân khi Hội Phật-giáo ở Bắc Việt thành lập,

VII