Trang:Phap-Viet de hue chinh kien thu.pdf/11

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.
— 9 —

Nam hay không? Tôi lại biết rằng tất không thể được. Vì Anh Pháp và Đức Áo sau khi trải qua cuộc chiến-tranh này tất có cái thù chẳng đội trời chung. Nhật mà hô ở đông, Đức tất ứng ở tây, cái làn sóng chiến-tranh tất lại tràn khắp Âu-châu thì hải-quân nước Anh quyết không dám dời bỏ cửa nhà mà vượt muôn dặm bể khơi để đi trợ chiến. Huống-chi việc chống-giữ trong các mặt như Hương-cảng, Nam-dương và Ấn-độ, người Anh còn xoay-sở chưa rồi, thế tất đành ngồi nhìn miếng đất Việt–Nam thuộc Pháp này phải chìm-đắm. Đó là điều thứ tư.

Khi quân Nhật tới Việt-Nam, người Pháp có thể ngăn giữ được quân Điền, Việt (Vân-nam và Quảng-đông) ở liền cạnh Việt-nam kia, không giúp sức với Nhật để đuổi Pháp chăng. Tôi lại biết rằng tất không thể được. Vì Trung-hoa ở Á-châu cũng giống như Thổ-nhĩ-kỳ ở Âu-châu vậy. Lớp sóng chiến-tranh nổi dậy, người Trung-hoa tất theo người Nhật chỉ-huy. Huống chi Việt-nam là chỗ phên rậu của Điền, Việt, người Trung-hoa muốn phòng trước cái họa-hoạn sau này, thế tất phải đem nhiều binh qua cõi Việt-nam chiếm lấy một góc trong trường săn-bắn, điều ấy tất người Trung-hoa vốn biểu đồng-tình, mà cũng lại là người Nhật đang sẵn lòng hoan-nghênh vậy. Cái mẹo khôn của người Đức lợi-dụng Thổ-nhĩ-kỳ năm xưa là thế đó. Đó là điều thứ năm.

Năm vấn-đề trên, thử hỏi người Pháp ở Việt-nam, có một ai dám đoán quyết là bất-tất phải nghi-ngại hay không? Thế thì thiết nghĩ cái nguy-hiểm của người Pháp ở đất Việt-nam mai sau này ra làm sao?

Nay tôi lại thử đặt mấy vấn-đề này để ngỏ cùng người Nam:

Người Nhật lấy được Việt-nam, người Nam phỏng dám vin cái lẽ là tổ-quốc cũ mà đòi lại ở trong tay ông khách cường-ngạnh kia không? Tôi biết rằng không khi nào dám.