Trang:Quan niem ve cuoc nhan sinh.pdf/22

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.

việc gì cho đúng cái mục-đích đã định, hoặc là giải-quyết một vấn-đề nào cho hợp với chân-lý. Thí-dụ muốn biết một việc gì, trước hết phải biết căn-nguyên việc ấy bởi đâu mà có; việc ấy có được như thế là bởi những cơ-hội nào và ở vào cảnh-huống nào; nếu việc ấy ở sang cảnh-huống khác, thì nó biến đổi ra làm sao. Hoặc việc ấy có những cái lợi và cái hại gì và nó quan-hệ với việc khác là thế nào. Bao nhiêu những phương-diện ấy cần phải xét cho rõ và phải có chứng cớ phân-minh. Những điều nói phỏng, những lời ức-thuyết và những ý-kiến vu-vơ không sở-cứ vào lý-thuyết nào chắc-chắn, đều không phải là phương-pháp khoa-học. Ấy là nói qua cái đại-lược để ta hiểu rằng khi đã dùng những phương-pháp khoa-học là cần phải cho tinh-mật: Xét một điều gì là xét đi xét lại, phải phân-tích, phải tổng-hợp, phải thí-nghiệm, xem có thật đích-xác, rồi mới nhận là chân-thực và định thành công-lệ. Việc gì đã thuộc về khoa-học là xác-thực. Cho nên khoa-học có thể giúp ta về việc phấn-đấu ở cuộc đời để tìm ra các chân-lý hoặc để gây thành cái định-cục mới lạ.

Song đã nói rằng khoa-học chỉ làm cho ta biết được những sự vật tương-đối ở trong tạo-hóa mà thôi, chứ không lên tới chỗ vô-hình tuyệt-đối ở ngoài tạo-hóa. Vậy nên có nhiều cái vấn-đề ta không thể lấy khoa-học mà giải-quyết được. Về những vấn-đề hình-nhi-thượng ta chỉ nhờ có cái trực-giác là cái tia sáng tự-nhiên và rất mẫn-tiệp ở trong tâm ta, khiến ta có thể hiểu biết mà không thể giải-thích ra được. Vì những vấn-đề ấy đã ra ngoài cái phạm-vi ngôn từ của ta rồi, thì ta làm thế nào mà giải-thích những vấn-đề ấy bằng ngôn-từ được? Bởi vậy, đối với những cái tư-tưởng cao xa và những quan-niệm huyền-diệu ta không nên cố-chấp. Muốn cho khỏi có những điều lầm lỗi, thì ta chỉ nên giữ cái tâm của ta cho sáng suốt, cái trí của ta cho minh mẫn, điều gì ta có thể biết được đích-xác, hãy cho là biết; điều gì ta không

20