Trang:Quan niem ve cuoc nhan sinh.pdf/23

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.

thể biết được đích-xác, thì cho là không biết. Giữ được cái thái-độ ấy, tôi tưởng cũng đủ làm một người chân-chính quân-tử vậy.

Nói rút lại, cuộc nhân-sinh của người ta là cuộc cứ phải nỗ-lực phấn-đấu không lúc nào nghỉ. Phấn-đấu để trừ bỏ những sự hèn nhát, để tránh khỏi những sự sai lầm, để phá tan những sự mờ tối, để cho bớt những sự tàn khốc, cứu-cánh là phấn-đấu để làm rõ-rệt cái chân-lý ra, để làm cho sáng tỏ cái phần quang-minh ở trong lòng ta. Người đã có cái tâm lực ấy, thì cái quan-niệm về cuộc nhân-sinh thành ra có thú-vị, có nghĩa lý, đối với đời lúc nào ta cũng phải theo đời mà biến-đổi, nhưng biến-đổi một cách chính đáng rất hợp lẽ phải, có ý-thức, có phương-pháp, không lờ-mờ vơ-vẩn, không quàng xiên cuồng dại, mà bao giờ cũng ung-dung thư-thái, không câu-nệ những điều nhỏ hẹp mà cũng không khờ dại làm những điều trái ngược.

Về đường tinh-thần, thì ta giữ cái tâm của ta cho sáng suốt và cái chí của ta cho vững bền. Ta biết rằng ở đời cần phải có sự tiến-thủ, mà muốn tiến-thủ thì cần phải có cái tinh-thần rất mạnh. Vậy ta nuôi cái tinh-thần của ta bằng sự học-vấn, đem những cái tư-tưởng cao-xa rộng-rãi mà làm cho cái tinh-thần của ta ngày một thêm tốt thêm tươi, để lúc nào cũng ứng-phó được với ngoại cảnh cho mỹ-mãn.

Về đường thực-tế, thì ta đem cái tinh-thần mạnh-mẽ đã có của ta mà dùng khoa-học trong những việc làm của ta, mà lợi-dụng những sự tiến-hóa của nhân-quần đã sáng-kiến ra để gây nên cái cuộc nhân-sinh bớt được những nỗi khổ-não ở đời. Làm việc gì thì lấy lòng thành-thực mà nỗ-lực làm cho đến nơi đến chốn, bao giờ cũng vụ lấy sự thực, chứ không cầu hư-danh để huyễn-hoặc người ta. Nói điều gì thì cốt lấy sự ngay-chính thực-thà, chứ không dùng lời xảo-ngôn ỷ-ngữ để lừa đảo thiên-hạ.

21