Trang:Quoc van trich diem 1930.pdf/20

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này cần phải được hiệu đính.
XVIII

Ở Bắc, Trung-kỳ, sự cải-cách có phần chậm hơn và phải làm lần lần:

1906: đặt Hội-đồng cải-lương học-vụ ở Đông-Pháp để đổi lại chương-trình Nam-học, gồm có 3 bực:

1• Ấu-học (trường các làng) thi tuyển-sinh dạy vừa chữ nho
2• Tiểu-học (trường phủ huyện) thi khóa-sinh vừa quốc-ngữ
3• Trung-học (trường tỉnh) thi hương (dạy thêm cả pháp-văn nữa).

Từ 1907 về sau, bớt dần địa-vị chữ nho và tăng thêm địa-vị chữ pháp trong các trường:

1908: đặt Học-bộ để thi-hành việc cải-lương ấy.

1915: bãi thi hương ở Bắc-kỳ.

1919: bãi khoa cử và nền hán-học ở Trung, Bắc-kỳ thay vào nền học Pháp-việt thuộc quyền Chính-phủ Bảo-hộ trông nom, nền học này bộ học-luật (Code de l’instruction publique) ban-hành ngày 21-12-1917 đã chỉnh-đốn lại.

HỒI THỨ I. — Chữ Quốc-ngữ phổ-cập trong dân gian

Chữ Quốc-ngữ là một lối chữ viết tiếng ta bằng vần tây của các cố-đạo, thứ nhất là các giáo-sĩ Pháp: Alexandre de Rhodes, Bá-đa-Lộc (Evêque d’Adran) đặt ra vào khoảng từ thế-kỷ thứ XV đến XVII, cốt để dịch các sách đạo cho con chiên xem. Sau nhờ trên Nhà-nước đem thứ chữ ấy dạy trong các trường, dưới các cố-đạo và các bực học-giả như các ông Trương-vĩnh-Ký, Paulus Của soạn dịch các sách phổ-thông giáo-khoa cùng các hàng sách, các nhà in đem phiên dịch các truyện nôm cũ của ta và các tiểu-thuyết Tàu, nên dần dần chữ Quốc-ngữ phổ-cập trong dân-gian.

HỒI THỨ II. — Nền Quốc-văn mới đương thành-lập

Khi các nhà tân-học cựu-học đều hiểu rằng phải lấy quốc-văn làm trọng, mới nhóm lên cái phong-trào chấn-hưng quốc-văn.

Trước có các báo chí quốc-ngữ xuất bản như Đồng-văn nhật-báo, Đăng-cổ tùng-báo, Đông-dương tạp-chí, Trung-Bắc tân-văn, Lục-tỉnh tân-văn, Nam-phong tạp-chí, Đại-Việt tạp-chí v. v., sau đến các nhà trước-thuật soạn dịch các sách vở văn thơ càng ngày càng nhiều.

Nền quốc-văn mới có hai đặc-tính:

1• Vẫn chịu ảnh-hưởng của văn tàu, lại chịu cả ảnh-hưởng của văn tây;

2• Mới phát-hiện ra lối văn xuôi dùng để tự-thuật, nghị-luận.

Nền quốc-văn mới ấy vừa nhóm thành cũng đã có vẻ khởi sắc, khiến cho ta có thể hi-vọng ở cái tiền-đồ quốc-văn được.