— Thiệt tôi rất cám ơn quan-lớn. Trẻ bây! rót rượu thêm cho Quan-lớn đây bây.
— À! tôi có nghe lịnh-ái năm nay cũng đã trộng rồi há! Chẳng hay cháu nó đã được mấy tuổi rồi vậy ngài?
— Dạ. bẩm quan-lớn, năm nay nó mới được 18 tuổi, mà nó còn khờ quá đi quan lớn.
— Hứ! Ấy chẳng qua là ngài quá khiêm đó mà thôi, chớ tôi có nghe người ta đồn đãi ngợi khen nó lắm mà! Được đa, tuổi đó vừa lắm đa. Nầy ngài! Chuyện anh em mình chớ không phải người nào, vậy để tôi xin lỗi với ngài mà nói xắp một cái cho rồi..............
— Dạ, bẩm quan-lớn, có việc chi thì quan-lớn cứ nói, không hề chi, vì tôi là em-út của quan-lớn.
— Nầy ngài! có một chỗ, họ muốn cậy tôi làm mai, đi nói con cháu đây, thằng đó năm nay mới có hai mươi tuổi mà cha mẹ nó giàu quá đi ngài.
— Chẳng hay con ai ở đâu vậy quan-lớn?
— Người đó là anh em chú bác với tôi, tên là Phạm-hữu-Ngọt, nhà cữa ở tại Ba-Xuyên, giàu lớn lắm, mỗi năm thâu lúa ruộng hơn hai trăm ngàn giạ lận đa ngài; nhờ có mấy kỳ quốc-trái ảnh giúp cho nhà nước vay nhiều quá, nên ãnh được thưởng chức huyện hàm.
— Thằng đó có học hành chi chăng quan-lớn? mà nó tên gì?
Quan Đốc-phủ-Sứ ngần ngừ một hồi rồi nói: — Có chớ! mà đều.........
— Mà đều......... mà đều........ sao a quan-lớn?
— Mà đều nó học ít một chút, mắc nó là con câng, vì anh huyện tôi, sanh có một mình nó là trai, cho nên ảnh chỉ hay câng nó quá. Bỡi vậy nó học trường tĩnh gần thi lấy xẹt-típ-phi-ca (certificat) rồi nó thôi, không chịu học nữa, để thả đi chơi hoài, hai vợ chồng anh huyện tôi mới tính kiếm vợ cho nó, đặng có buộc chơn buộc cẳng nó lại đa ngài. Tên nó là Phạm-hữu-Chanh.
— Tuổi còn trai tráng, niên phú lực cường, sao nó không lo học cho tới, để bỏ uổng quá quan-lớn há!
— Ngài nói cũng phải, nhưng mà, Ối! Buổi nầy là buổi huỳnh-kim thế giái, có chi mạnh cho bằng thế-lực kim-tiền đâu ngài. Nó dốt thây kệ nó, miễn là lúa cho đầy bồ, bạc cho đầy tủ thì thôi, một năm hai ba trăm ngàn giạ lúa