Trang:The luc khach tru va van de di dan vao Nam ky.pdf/105

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.
— 105 —

ông chủ trái lời giao-kèo với thợ; có khi thấy thợ trái lời giao-kèo với chủ, thí dụ người ta đã mộ mình làm việc cho người ta rồi, hoặc đang làm bỏ dở mà về, hoặc thấy chỗ khác nhiều lương hơn là bỏ đi. rồi đôi bên sinh sự lôi thôi với nhau, đều bị thiệt thòi cả. Bọn nhân-công mình thật cũng thường có cái tính « bỏ dở việc làm, chỗ nào cao công là bước » thật, mặc kệ ông chủ, mặc kệ pháp-luật; lại thường khi đang làm tử tế, cậy mình được việc, thì gây sự lôi thôi, không lẽ mỗi lúc lôi họ ra mà kiện; nông nỗi như thế, các ông cố-chủ, các nhà công-nghệ Tây Nam vẫn kêu ca mãi, kêu ca rằng: luật pháp không đủ giúp việc thi-hành những tờ giao-kèo ấy. Nhưng cứ lấy tình-thế ở ta mà xem, thì hình như ông chủ hay trái ước hơn là thợ, thợ có trái ước chăng nữa, thường bởi tự ông chủ cậy quyền, cậy thế, trái ước trước, thợ không biết gõ cửa công-lý đằng nào, bèn liều mạng mà trái theo vậy.

Nay muốn cho tờ giao kèo đều được cả đôi bên cùng phải tôn trọng, một mặt, là ông chủ phải có lương-tâm, trọng nhân-đạo đã đành, một mặt phải làm sao cho thợ hiểu tờ giao-kèo là cái gì mới được Đang lúc chúng bị đói rét, được người mộ đi làm việc có cơm ăn có áo mặc, thì chúng tưởng đến lúc no ấm rồi có khi bỏ người ta mà đi được như bỡn, nào biết đâu rằng có lỗi; phương chi tờ giao-kèo viết bằng chữ tây, chữ nho, trong nói những khoản gì, chúng đã chẳng hiểu rồi, mà ngay bằng quốc-ngữ đi nữa, chúng cũng bập bõm hiểu không hết, thế mà cứ liến thoắng đọc cho chúng nghe: khoản thế này.... khoản thế này.... rồi hỏi có bằng lòng không thì ký vào; giữa lúc « kiến bò nôn bụng, gió thổi lạnh mình », thế nào mà chúng chẳng ký biết đâu giao-kèo có lợi hại cho mình là thế nào. Không biết thành ra có khi chúng trái ước mà phải đền, phải tội, mình tự hại mình, nhưng chính vì cái «không biết» ấy mà ông chủ trái ước, có hại cho chúng nữa, chúng lại chẳng biết đâu mà kêu được.