đến 3 hay 4 vạn người rồi, tuy vậy cũng còn là ít; đi gần 6 kilômét nữa vào đến Chợ-Lớn (người Tầu gọi là Đê-Ngạn, 堤 岸) là một thành phố toàn các chú cả, chưa kể đến nội dung ra thế nào, nhưng mới trông bề ngoài đủ khiến cho mình phải ghê sợ, xa xa đã trông thấy ống khói nhà máy nọ nhà máy kia, tua tủa lên ngang giời như hàng rào, nào tầu, bè, ghe, nốc, đậu tri trít ở mặt nước như mắc lưới, đã đủ giật mình về cái cảnh-tượng ấy rồi; lại vào đến phố, thì phố xá rộng rãi, nhà cửa nguy nga, hết đường nọ đến đường kia, qua phố này sang phố khác, không phố nào không nhà hai ba từng, không nhà nào không buôn bán lớn, thôi thì hiệu to tiệm lớn các chú, vác gạo kéo xe các chú, chủ hãng chủ nhà máy các chú, mà cho đến vót đũa đan rổ gánh nước bán quà cũng các chú, nói tóm lại, việc gì làm mà nay ra to từng hàng vạn, nhỏ đến đồng xu, thì cũng mấy chú mấy thím « thiên-triều » làm hết. Thành phố Chợ-Lớn, đất rộng hơn một nghìn mẫu, thì các chú ở quá ba phần tư, dân số 13 vạn người, thì phần các chú già một nửa (7 vạn người ở trên bộ, và hơn 1 vạn người ở dưới nước); kể cái hình-thế thành phố thì không rộng rãi đẹp đẽ như Saigon, như Hanoi, như Haiphong, nhưng kể đến các nơi công-nghệ buôn bán nước ta, thì Chợ-Lớn có vẻ hoạt-động vào bực nhất vậy.
Còn như số người các chú, rải rác ra làm ăn buôn bán ở Lục-tỉnh cũng đông hết sức: từ chỗ thị-thành dưới thuyền trên bến, cho đến thôn quê đầu xóm cuối làng, không có chỗ nào ta không thấy các chú, hoặc cửa hàng cửa hiệu, hoặc bán thịt bán rau, hoặc nghề kia nghệ nọ, các chú làm không sót một thứ gì cả. Các chú ở đông đúc nhất là mấy tỉnh Sóc-trăng, Bắc-Liêu, và Cần-thơ, và mấy tỉnh trù-phú nhất trong Nam-kỳ, mỗi tỉnh có đến hàng vạn và trên hàng vạn các chú ở cả, còn các tỉnh khác thì tỉnh nào cũng có năm sáu nghìn, bẩy tám nghìn, ít nhất là ở mấy tỉnh Bà-Rịa, Biên-Hòa, Tây-Ninh, Thủ-đầu-một, là mấy tỉnh dân nghèo, ruộng ít, đất xấu, rừng nhiều, thế mà các chú cũng kéo nhau đến ở hàng nghìn với trên hàng nghìn được, như thế đủ biết trong Nam-kỳ không só nào không có khách-trú vậy.