Trang:To thong cao toan quoc cua Phan Boi Chau.pdf/5

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.
— 3 —

thành công dành phải nhờ quốc-dân để làm hậu-thuẩn; tức xem như trong khoảng thế-kỷ thứ 17 thứ 18, nước Pháp mấy lần cách mệnh mới có thể thay chuyên-chế làm cộng-hòa; huống chi đem cái trình-độ quốc-dân nước Pháp bấy giờ, so với trình-độ quốc-dân ta ngày nay, khác nào như trời với vực, ép đứa trẻ con ba tuổi mà bắt đi con đường vạn-lý, đường xa sức yếu, thế tất phải nguy-hiểm ngay. Tôi đã từng thí-nghiệm trong mười hai năm, biết rằng hậu-thuẩn không nương tựa vào đâu, thời chắc tiền đồ chỉ những là thất-bại, dục-tốc-bất-đạt, lẽ ấy đã rành rành, nếu mà liều lĩnh mãi hoài, thiệt là dẫn cho dân trong nước phải sai đàng lạc nẻo, dầu chỉ muốn cho thân mình được cái hư-danh anh-hùng hào-kiệt, mà khiến cho nước ta bị cái ác-quả mãn-kiếp trầm-luân, tự hỏi lương-tâm, làm người sao đáng?

Vì vậy tính đổi phương-châm, chú lực về cái phương diện làm sao cho quốc-dân ngày thêm tấn-bộ. Nhưng nghĩ rằng nếu muốn cho trình-độ quốc-dân ngày thêm tấn-bộ, thời phải bắt tay lo về đàng giáo dục mới được, mà muốn cải-lương sự giáo-dục, nếu không có thợ hay thầy giỏi thời cậy ai chỉ vẽ cho; người nước Pháp chính là những bậc thầy thợ tình cờ gập gỡ Trời đưa sang cho ta đấy.

Trong khoảng năm Tân-hợi hiệu Duy-tân (1911), nghe có quan Toàn-quyền Sarraut sang trọng-nhiệm nước ta, có hứa rằng sẽ cải-lương đường giáo-dục cho dân ta, mà Ngài cũng đã thi hành một đôi việc như là bỏ khoa-cử mở học-đường v. v...

Tôi ở ngoài ngàn muôn dặm, chưa rõ thiệt giả, đói đã lâu ngày nằm chiêm bao thấy cơm mà mừng cuống, phương-châm không đổi, còn đợi lúc nào?