Trang:Tuyet hong le su.pdf/103

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.
— 99 —

Hoa thơm thơm được một mùa,
Cam ngon cũng muốn chanh chua cũng thèm.
Chút vì thương kẻ đi đêm,
Đưa cá xuống bể, đưa chim về rừng.
Bước đi một bước lại dừng,
Mặt trời nửa tấc, bóng trăng con sào.
Mơ-hồ như giấc chiêm bao,
Chợ sớm thì vãn, chợ chiều chưa đông.

Vậy những nhời ngũ-ngôn phương thảo mỹ-nhân chính là văn thương thời của Khuất Bình vậy.

Trong quyển Lệ-sử này tả cái tình của ba người: Mộng-Hà thì cảm vì tri-kỷ, Lê-Ảnh thì nặng vì liên-tài, Quân-Thiến thì thực-hành chữ tự-do; tuy rằng chưa chắc đã là chính-đáng, nhưng khéo mượn một cái tình không đáng để vận-dụng cái lời văn khuyên-răn và gọi tỉnh những người lầm vì tình, chứ có định làm một nhà tiểu-thuyết ngôn-tình đâu.

« Thương nhau thì sợ, ghét nhau thì đành », câu ấy chính là đại biểu cho quyển Tuyết-hồng lệ sử.

« Tiếc của ai khen Đỗ-Mục, hay gì mà học Tương-như; câu ấy là một lời cảnh-ngữ cho quyển Tuyết-hồng lệ-sử.

« Nhìn xem hoa rụng, tiếc duyên tri-kỷ cuối mùa, đứng ngóng non Bồng, cái số tương phùng đã muộn ». Than ôi! Xem hoa hoa tàn, xem hội hội tan, cũng nên ngán cho tâm-sự tác-giả

Lại như những câu rằng: « Kiếp tình nhắm mắt cho qua, nghìn thu để khách bàn xa nói gần », và: « Kiếp trần đương cuộc phong-lưu, bể ái dắt nhau chìm đắm », thật như nghe tiếng chuông buổi sớm, tiếng còi chiều hôm vậy.

Còn như câu: « Phần là nhớ mẹ phần là nhớ anh », thì thật phát-hiện được cái chí-tình, « Dối người đã vậy, dối mình sao đang », thì thật tả được cái lòng phản-cung; « Bán thân vào cõi tình-trường, bao nhiêu luân-lý cương-thường để đâu », câu ấy lại tỏ được bụng người soạn quyển Lệ-sử.

Phàm xem tiểu-thuyết, không cần hỏi đến người trong truyện cho lắm, mà cần nghe những lời nói trong truyện; nếu cứ đem cái bì-tướng mà bàn quyển Tuyết-hồng lệ-sử thì như văn Tây-sương, thơ Tàng-trung, lại càng không nên xem lắm.