Trang:Tuyet hong le su.pdf/14

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.
— 10 —

Bằng-lang nói rằng:

— Mẹ tôi cũng vẫn răn tôi thế, nhưng hôm nay là mẹ tôi bảo ngắt đem ra để cắm vào ống cho thầy đấy.

Ngày xuân lần-lữa, én lại oanh về; ngọn gió lơ-thơ, giọt mưa lấm-tấm. Trông ra cây lê thì hoa đã rụng đầy vườn: Đa-tình ta lại cười ta, yêu hoa là tính, thương hoa là tình.

Trông xuống gốc cây thấy cánh hoa lấm-láp mà lại ngao-ngán cho đời: Chơi hoa lúc hãy còn tươi, đến khi hoa rụng ai người thương hoa!

Bắt-chước Giả Bảo-Ngọc ngày xưa, lần-thần ra nhặt những cánh hoa rụng đem chôn một đống. Trông lại cây tân-di kia thì đang chum-chúm sắp nở, nên vịnh hai bài thơ ngụ-ý như sau này:

Vịnh hoa Lê

Một khối u-tình giận chúa xuân,
Hương trời đem bạn khách phong-trần;
Mưa xuân giọt lệ thương tri-kỷ,
Xuân hết đời hoa có mấy thân?

Vịnh hoa Tân-di

Nhị thắm mầu tươi vẻ mặn-mà,
Cánh hồng ganh với chị xuân già;
Giang-Lăng còn kém tài ngâm vịnh,
Một khúc thơ đề thẹn với hoa.

Đêm lạnh như tuyết, bóng trăng tờ-mờ, ước chừng non nửa đêm, thấy có tiếng khóc xùi-xụt, ngóc dậy rồi ngó ra, thấy một người con gái mặc áo trắng, đứng ở bên cây lê mà khóc thầm.

Người ấy là ai? Chính là Bạch Lê-Ảnh. Lê-Ảnh làm sao mà khóc hoa? Đã một người chôn hoa, lại một người khóc hoa! Hoa ôi! thôi hoa đừng khóc nữa mà hoa nên cười, gặp người tri-kỷ may đời cho hoa.

Nước mắt ngồi nhìn người nước mắt;
Đau lòng lại gặp khách đau lòng.

Câu ấy chính hợp cái cảnh-tượng đêm hôm ấy của tôi.