Trang:Viet Han van khao.pdf/116

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này cần phải được hiệu đính.
— 104 —

Kỵ trùng chữ, trùng ý, trùng điệu.— Trong 8 câu thơ, trên dưới trùng một hai chữ thì được, còn bốn câu giữa thì không nên trùng chữ nào. Mỗi chữ mỗi câu phải có một ý khác nhau, nếu một câu mà trùng một ý như câu « nửa đêm giờ tý trống canh ba », hay là trong một bài mà câu trên đã nói ý ấy, câu dưới lại nói ý ấy, ví như câu tam tứ đã tả cảnh « nước biếc non xanh », câu ngũ lục lại tả cảnh « núi cao bể rộng », cũng là trùng một ý, không được. Trong một câu thơ, hoặc hai chữ một hơi, hoặc ba chữ, hoặc bốn chữ một hơi, đó là điệu đặt câu. Điệu đặt câu chỉ trừ ra câu nào đối nhau thì theo một điệu, còn thì phải xoay xở cho khác nhau.

Thí dụ như câu thực đặt bốn chữ trên « thánh thót cung đàn » đối với « gật gù chén rượu », câu luận lại đặt 4 chữ trên « mặn mà nét họa » đối với « nghiền ngầm câu thơ »; hay là ba chữ dưới câu thực đặt « thơ một túi » đối với « rượu lưng bầu », câu luận lại đặt « cờ ba ván » đối với « họa mấy trương », thế là trùng điệu, không được.

Đây là mấy phép thường mà thôi.

Nếu muốn biết cho hết các phép mà làm được thơ hay thì không gì bằng xem nhiều văn cổ, năng tập làm thơ, thì lâu dần tự nhiên luyện giọng.


TIẾT THỨ IV

Luận về lý thú văn-chương.

Phàm các cuộc chơi của thiên-hạ, cuộc nào cũng có một lý thú riêng, như đánh cờ, uống rượu, gẩy đàn, chơi cung cảnh v. v. tuy là một cách tiêu khiển nhỏ nhặt, nhưng ngẫm ra thì cũng đều có một lý thú. Mưu tính nước cao nước thấp, có thể nghiệm ra được các sự khôn dại ở đời; ngật ngù chén tạc chén thù, có thể quên được hết các sự phiền não ở đời. Nước chẩy non cao, tính tình nẩy ra ngoài mấy tiếng nỉ non thánh thót; hoa thơm cỏ rậm, hứng thú gửi vào trong đám nghìn tía muôn hồng,