Trang:Viet Han van khao.pdf/120

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này cần phải được hiệu đính.
— 108 —

Người là một giống thiêng liêng của tạo-hóa, văn-chương cũng là cái khí thiêng liêng của tạo-hóa. Tạo-hóa đem bao nhiêu trí thức thiêng liêng trao cho người ta; người ta lại đem bao nhiêu trí-thức thiêng liêng mà tả ra văn-chương. Cho nên văn-chương có cái hay vô cùng mà cũng có cái lý-thú vô cùng.

Cái lý-thú ấy, làm cho người ta phải ngâm nga mà dung đùi, làm cho người ta phải mê mẩn mà quên cả các sự ngoài đưa đến.

Ngày xưa Đỗ-Dự xem bộ « Tả-truyện » thành nghiện, nghĩa là tay không dời được bộ sách ấy ra bao giờ. Lưu-Thoát thì khi ăn khi uống cũng không quên văn-chương; khi mưa gió mù mịt, cũng không quên văn-chương; cho chí những khi xót xa tức giận, đau yếu buồn rầu, và khi chơi bời, khi làm công việc, cũng không lúc nào là không nghĩ đến văn-chương. Nếu không có lý-thú, làm sao lại khiến cho người ta phải mê mẩn như vậy?

Tuy vậy, cái thú văn-chương không phải dễ mà ai ai cũng hiểu được, duy người nào lĩnh hội được thì mới được hưởng. Người không biết lĩnh hội, dù hay đến đâu cũng không biết là hay, dù thú đến đâu cũng không biết là thú; mà thường những câu của người ấy cho là hay là thú, thì lại là những câu không thú vị gì. Còn như người lĩnh hội được, thì bất cứ câu tinh-diện hay câu tầm-thường, câu văn-chương cao-kỳ hay câu thiển-cận, lắm khi tự nhiên nhân câu văn mà hội được cái thú riêng; có khi lại hội được ở ngoài câu văn nữa.


TIẾT THỨ V

Luận về sự kết-quả của văn-chương.

Văn-chương có kết-quả không? — Sao không có. Vì văn-chương có khi rất thiên liêng, có sức rất mạnh mẽ, có thể làm cho cảm động lòng người, chuyển di phong-tục, và có thể làm cho cải biến được cuộc đời nữa.