quả cân cho thăng bằng; việc hay dở, tùy việc mà khu xử cho hợp lẽ phải, bởi vậy gọi là đạo Trung-dung.
Đại ý trong sách chia làm 3 đoạn, trước hết nói một lẽ, khoảng giữa do lẽ ấy mà tán ra muôn việc, cuối cùng lại hợp vào một lẽ tức là đạo Trung-dung vậy.
Sách này lý-luận rất cao, mà nhời nhẽ rất tinh-vi. Xem như mấy câu đầu sách nói rằng: « Thiên mịnh chi vị tính, suất tính chi vị đạo, tu đạo chi vị giáo », nghĩa là giời phú bẩm cho gọi là tính, noi theo cái tính ấy gọi là đạo, sửa cái đạo đem ra dạy người gọi là giáo. Mấy câu đó cắt nghĩa 3 chữ « tính, đạo, giáo » rất tinh tế, có ngẫm kỹ mới hiểu được.
Người ta ai cũng có sẵn lòng biết xót-xa, biết xấu-hổ, biết từ-tốn, biết phân phải trái, đó là những tính nhân, nghĩa, lễ, trí, của người. Song bởi đâu mà có những tính ấy? Bởi vì giời đã đem cái khí vận động mà sinh ra người thì giời tất đem những lẽ lương tri lương năng ấy mà phú bẩm cho người, cho nên gọi là tính, tính tức là lẽ vậy. Ai cũng có cái tính ấy thì ai cũng nên noi theo một cách tự-nhiên để mà thi-hành ra mọi việc, ấy là một con đường của người ta cùng đi, cho nên gọi là đạo, đạo tức là đường đi vậy. Tính và đạo dẫu ai ai cũng giống nhau, song lúc mới sinh, khí bẩm có kẻ thanh người trọc, về sau lại nhân sự tập-nhiễm mà có kẻ thiện người ác, kẻ hay người giở khác nhau. Bởi vậy thánh-nhân phải nhân cái đạo ấy đặt ra các khuôn phép để dậy người cho noi theo một đạo mà hoàn lại bổn tính, cho nên gọi là giáo, giáo tức là dạy vậy.
Còn từ chương dưới giở đi, tuy tạp dẫn các nhời đức Khổng-tử hoặc nhời kinh Thi, mỗi câu một ý một nghĩa, mà mạch-lạc vẫn quán thông với nhau, và đều để phát minh đạo ấy.
Mạnh-tử.— Cụ Mạnh-tử sinh về thời Chiến-quốc, cách thời đức Khổng-tử ngót trăm năm. Cụ thụ-nghiệp ở cửa cụ Tử-Tư, học được đạo thống của đức Khổng-tử. Bấy giờ trong đời chỉ mê về đường công lợi, không biết đến đạo-nghĩa là gì. Cụ đi chu-du các nước, mong đem đạo-học