Trang:Viet Han van khao.pdf/142

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này cần phải được hiệu đính.
— 130 —

nghĩ ngợi mà quên cả hình hài đi, nghĩa là không nghĩ gì, không lo gì, không bợn lòng vào việc gì, không biết mình là thế nào, trong bụng lúc nào cũng thanh tĩnh, không phải nhọc đến trí khôn, đến sức làm. Còn như việc gì xẩy đến, bất đắc dĩ mà phải thù ứng với đời thì tùy cơ mà ứng biến, miễn là xong việc thì thôi, không phải tốn một chút hơi sức nào.

Cứ như đạo thường của nho-giáo thì người ta đã sinh ra ở đời, phải làm-lụng, phải lo nghĩ, mới đứng được ở đời. Lấy ý kiến của Lão-tử mà so với nho-giáo thì trái nhau xa lắm. Song ai có hiểu rằng cái thân mình là cái cỗi gốc khổ sở, cái trí-khôn là cái căn nguyên phiền não, thì mới hiểu được cái vui vẻ của ông ấy. Lại phải hiểu cho thấu hết nhân tình, xét cho tường hết thói đời, thì mới biết ông ấy đem một tấm lòng nguội lạnh nhạt nhẽo đối với đời, không còn có một sợi tơ sợi tóc nào vướng đến trước mắt, thật là một bậc người tiêu diêu khoái hoạt, rộng rãi tự nhiên.

Tuy vậy, trong đạo-đức lại có sen lẫn ý quyền mưu. Xem như những câu « Tri kỳ hùng, thủ kỳ thư, vi thiên-hạ khê; tri kỳ bạch, thủ kỳ hắc, vi thiên-hạ cốc », nghĩa là biết đằng sống, giữ đằng mát, để làm khe cho thiên-hạ; biết đằng trắng, giữ đằng đen, để làm hang cho thiên-hạ. Cùng là câu « Tương dục thủ chi, tất cô dữ chi », nghĩa là sắp muốn lấy đi thì hãy tạm cho trước. Xem như vậy thì lối học Lão-tử, phàm việc gì đối với người, cũng êm ái lui lại một bước mà thắng được người, tức là cái lối dĩ nhu thắng cương vậy. Nhưng ý ấy toàn là ý cơ mưu biến trá, trái với ý thành-thực của đạo nho, cho nên xưa nay không cho là chính đạo.

Về sau người nào có những ý phóng phiếm khoáng đạt, chán đường công-danh phú-quí, và những người có mưu cơ thâm thiểm, đều là gốc ở lối học đó.

Trang-tử.— Trang-tử cũng theo một học phái của Lão-tử. Chủ nghĩa chỉ có tiêu diêu phóng khoáng, không để cho việc gì bó buộc được mình.