Trang:Viet Han van khao.pdf/22

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.
— 10 —

là điệu không dính nhau cũng không được. Trong câu trừ ra chữ thứ nhất và chữ thứ ba không kể bằng trắc gọi là nhất tam bất luận, còn sai bằng trắc chữ nào thì gọi là thất luật, nghĩa là sai luật cũng không được. Song chữ thứ nhất ở thơ ngũ-ngôn và chữ thứ ba ở thơ thất-ngôn, đáng trắc trắc mà dùng bằng trắc thì được, chớ đáng bằng bằng mà dùng trắc trắc thì gọi là khổ độc, nghĩa là khó đọc cũng không được. Thơ ngũ-ngôn chữ thứ hai và chữ thứ năm, thơ thất-ngôn chữ thứ tư và chữ thứ bẩy không được điệp một vần, nếu điệp vần thì là phạm phải bịnh phong yêu hạc tất (lưng ong gối hạc), nghĩa là có bịnh ở trong giữa câu cũng không được.

Đó là luật thơ. Còn phép làm thơ thì câu đầu tiên gọi là câu phá-đề, nghĩa là mới mở cái ý của đầu bài. Thí dụ đầu bài là « đám mây » thì câu phá-đề nói ngay cái ý vì đâu mà sinh ra đám mây, hoặc là mình đương đứng nhìn trên không mà ngẫu nhiên trông thấy. Câu thứ hai là câu thừa-đề nghĩa là nói vào đầu bài, ví như bài này thì thế nào cũng phải nói đến hai tiếng « đám mây » vào trong câu, hoặc là nói cái ý của đám mây cũng được. Câu thứ ba thứ tư là hai câu thích-thực hoặc gọi là cập-trạng nghĩa là phải tả cái thực cảnh của đầu bài ra, và phải đối nhau, như bài này thì phải kén lấy hai cảnh gì đẹp của đám mây mà đối nhau. Câu thứ năm thứ sáu gọi là hai câu luận nghĩa là luận cho rộng cái ý của đầu bài, cũng phải đối nhau, như bài này thì hoặc là dẫn điển-tích đám mây mà luận, hoặc là luận cái công-hiệu của đám mây hoặc là dẫn cảnh ngoài vào làm câu bằng-thấn, nghĩa là so sánh với cảnh khác để tỏ ra cảnh này. Hai câu thứ bẩy thứ tám thì goi là hai câu thúc-kết, không cần phải đối nhau. Câu này thì tổng kết cái ý của đầu bài, hoặc tả rộng ý ra thế nào cũng được.

Còn như thơ tứ-tuyệt thì hoặc hai câu đầu đối nhau, hoặc hai câu dưới đối nhau, hoặc đối nhau cả bốn câu,