Những sách ấy bây giờ không biết mất đâu cả, không thấy quyển nào nữa, thật là một cái thiệt hại cho người nước mình.
Còn những người đi học, ở các phủ, châu, huyện, trước thì ở phủ mỗi năm 2 người, ở châu 2 năm 3 người, ở huyện mỗi năm 1 người, sau cải lại ở phủ mỗi năm 1 người, ở châu 3 năm 2 người, ở huyện 2 năm 1 người, được làm học trò tuế-cống cho vào học Quốc-tử-giám, rồi bổ đi làm quan.
5. VIỆC TRẠM-DỊCH. Từ thành Đông-quan (tức là Hà-nội) cho đến huyện Gia-lâm, phủ Từ-sơn, thì đặt trạm để chạy giấy bằng ngựa; từ huyện Chí-linh, huyện Đông-triều cho đến phủ Vạn-ninh là nơi giáp đất Khâm-châu nước Tàu thì đặt trạm chạy giấy bằng thuyền.
6. VIỆC BINH-LÍNH. Việc bắt lính thì cứ theo sổ bộ mà bắt. Ở những nơi gọi là vệ-sở thì mỗi một bộ phải ba suất đinh đi lính, nhưng từ Thanh-hóa về nam người ở ít, thì mỗi hộ chỉ phải hai suất đinh đi lính mà thôi. Những chỗ nào mà không có vệ-sở thì lập đồn ở chỗ hiểm-yếu rồi lấy dân binh ra giữ.
7. PHÉP HỘ-THIẾP VÀ HOÀNG-SÁCH. Việc điền hộ ở An-nam bấy giờ phải theo như lệ bên Tàu. Những dân đinh trong nước, thì ai cũng phải có một cái giấy biên tên tuổi và hương-quán để lúc nào có khám hỏi thì phải đưa ra. Cái giấy ấy biên theo như ở trong quyển sổ của quan giữ. Hễ giấy của ai mà không hợp như ở trong sổ thì người ấy phải bắt đi lính.
Việc cai-trị ở trong nước, thì chia ra làm lý 里 và giáp 甲. Ở chỗ thành-phố thì gọi là phường 妨; ở chung-quanh thành-phố thì gọi là tương 廂; ở nhà quê thì gọi là lý. Lý lại chia ra giáp.
Cứ 110 hộ làm một lý và 10 hộ làm một giáp. Lý thì có lý-trưởng, giáp thì có giáp-thủ.
Mỗi một năm có người làm lý-trưởng coi việc trong lý.
Mỗi một lý, một phường hay là một tương có một quyển sách để biên tất cả số đinh số điền vào đấy. Còn những người tàn-tật cô-quả thì biên riêng ra ở sau, gọi là kỷ-linh 畸 零. Ở đầu quyển sách lại có cái địa-đồ.