Bước tới nội dung

Trang:Viet Nam Su Luoc 2.pdf/7

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được phê chuẩn.

chuyện quan-hệ đến nhà vua, hơn là những chuyện quan-hệ đến sự tiến-hóa của nhân-dân trong nước. Vả, xưa nay ta vẫn chịu quyền chuyên-chế, vẫn cho việc nhà vua là việc nước. Cả nước chỉ cốt ở một họ làm vua, cho nên nhà làm sử cứ theo cái chủ-nghĩa ấy mà chép sử, thành ra sử đời nào cũng chỉ nói chuyện những vua đời ấy mà thôi. Bởi vậy xem sử ta thật là tẻ, mà thường không có ích-lợi cho sự học-vấn là mấy.

Sử của mình đã không hay, mà người mình lại không mấy người biết sử. Là vì cái cách học-tập của mình làm cho người mình không có thể biết được sử nước mình. Bất kỳ lớn nhỏ, hễ ai cắp quyển sách đi học thì chỉ học sử Tàu,chứ không học sử nước nhà. Rồi thơ-phú văn-chương gì cũng lấy điển-tích ở sử Tàu, chứ chuyện nước mình thì nhất-thiết không nói đến. Người mình có ý lấy chuyện nước nhà làm nhỏ-mọn không cần phải biết làm gì. Ấy cũng là vì xưa nay mình không có quốc-văn, chung thân chỉ đi mượn tiếng người, chữ người mà học, việc gì cũng bị người ta cảm-hóa, chứ tự mình thì không có cái gì là cái đặc-sắc, thành ra thật rõ như câu phương-ngôn: « Việc nhà thì nhác, việc chú bác thì siêng ! »

Cái sự học-vấn của mình như thế, cái cảm-tình của người trong nước như thế, bảo rằng lòng vì dân vì nước mở-mang ra làm sao được?

Nhưng dẫu thế nào mặc lòng, nước ta đã có sử ta thì cũng có thể bởi đó mà biết được những sự đã qua ở nước ta, và có thể bởi đó mà khảo-cứu được nhiều việc quan-hệ đến vận-mệnh nước mình từ xưa đến nay xoay-vần ra làm sao. Hiềm vì sử nước ta thì làm bằng chữ Nho cả, mà chữ Nho thì từ rày trở đi chắc rồi mỗi ngày một kém đi. Hiện nay số người đọc được chữ Nho còn nhiều, mà trong nước còn không có mấy người biết được chuyện nước nhà, huống chi mai sau này chữ Nho bỏ không học nữa, thì sự khảo-cứu về những việc quan-hệ đến lịch-sử nước mình sẽ khó biết bao nhiêu!

Nay nhân sự học ở nước ta đã thay-đổi, chữ quốc-ngữ đã phổ-thông cả trong nước, chi bằng ta lấy tiếng nước nhà
viii