Trang:Viet Nam phong tuc.pdf/115

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.
116
VIỆT-NAM PHONG-TỤC
 

có năm vị Ôn-chúa, mỗi vị một sắc áo mũ, có năm thanh kiếm và năm lá cờ.

Lại có một hình nhân tay chống thanh-quất trông vào đàn nội, gọi là ông Giám Đá.

Ngoài sân thì bày một tên lính cưỡi ngựa sai, sau lưng có lá cờ lệnh, là người truyền lệnh của thần thánh và của các quan.

Ngoài nữa thì bày la liệt: cầu ông thầy bói, quán cô bán hàng, ông Thiên-lôi, bà La-sát, núi Thu-tinh, thuyền rồng, rồi nào voi, nào ngựa, nào chiêng, nào trống, nào hình nhơn, nào khí giới, v.v...

Trước hết dùng lễ cúng đàn ngoại. Có nhà-sư và môn đạo-trường khua trống đánh não-bạt rầm rĩ, múa gươm, múa cờ, tụng niệm phù chú, để thu hết các thạch-tinh cốt-khí, yêu-ma lệ-quỷ mà ngăn cấm không cho xâm phạm đến giới hạn trong làng, cho nên gọi là thu-tinh cấm giới.

Đoạn vào đàn nội phát tấu, nghĩa là đọc sớ tâu với Trời, Phật để cầu Trời, Phật phù hộ cho làng. Rồi tụng kinh suốt sáng mới thôi.

Hôm sau lại tụng kinh cả ngày.

Tối thứ hai cúng đàn nội, dẫn lục cúng. Lục cúng là hương, hoa, đăng, trà, quả, thực. Trong khi dưng cúng, có hai người tăng ni, mặc áo cà sa phủng đồ hương hoa múa mang, lượn ra lượn vào một hồi, rồi mới tiến lên bàn thờ.