Trang:Viet Nam phong tuc.pdf/272

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.
NÓI VỀ PHONG-TỤC XÃ-HỘI
273
 

Văn chương của một nước tức là cái tinh thần của một nước, tinh thần có mạnh thì nước mới mạnh, tinh thần mà suy thì nước cũng suy. Thiết tưởng văn chương, dầu theo lối nào mặc lòng, quí hồ phải tả cho thực, cho đủ ý mà nói sao cho cảm động được lòng người mới là hay, chớ bất tất phải cầu kỳ từng chữ từng câu, bất tất phải gọt từng tiếng. Văn chương gọt từng tiếng khác nào như người gọt củ thủy tiên, cái lá này bắt cho quăn, cái giò kia hãm cho thấp, trông thì hoa nở đều nhau đẹp đẽ, nhưng giá động vào đâu đã gãy, để chưa mấy ngày đã úa, thế là cốt lấy cái khéo nhỏ nhặt, mà làm mất cái khí mạnh của nó, gọi là nhu nhược chi văn chương!

Kìa xem như các tay đại gia văn chương, giọng văn hùng hào quảng bác, rườm rà như cành to cỗi lớn, mạnh mẽ như nước chảy sóng cồn, có cần gì phải tỉ mỉ chọi từng tiếng, từng chữ, từng câu. Lại ngẫm như nước Tàu và nước ta những lúc mới thịnh, văn chương bao giờ vẫn quê kệch mà cứng cỏi, đến khi văn chương mềm mỏng êm tai, văn hoa đẹp mắt thì đã lại tới hồi suy nhược rồi. Cho nên lúc đời Nam Bắc triều có người chê văn Tàu rằng: « Sách vở chồng chất, chẳng qua đều là giọng sầu thảm bi ai; hòm tráp đầy giàn, chẳng qua đều là lời phong hoa tuyết nguyệt » ấy là văn lúc suy thế.

Vậy có câu rằng: « Văn chương quan hồ thế vận » nghĩa là văn chương quan hệ với vận mệnh một đời, quả nhiên như thế thực.

*

* *