Trang:Viet Nam phong tuc.pdf/373

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.
374
VIỆT-NAM PHONG-TỤC
 

Đại để trong mười phần được bảy, tám phần dở thì là dở. Người hay thì ai ai cũng trọng, mà người dở thì ai ai cũng khinh.

*

* *

Mỗi nước có một tính tình riêng, có tính tình nước kia cho là dở, mà nước nầy cho là hay; có tính tình nước này cho là hay, mà nước kia cho là dở. Cái hay cái dở đó tùy theo cái trình độ của dân trí mà phân biệt và theo cái thói quen mà thôi.

Nước ta học theo Khổng giáo, cho nên trọng nhất là luân lý cương thường. Bất cứ đàn ông, đàn bà, hễ giữ được luân lý cương thường là hay, mà trái với luân lý cương thường là dở. Mà luân lý của đàn ông, thì lại trọng nhất là trung hiếu, luân lý của đàn bà thì lại trọng nhất là trinh tiết. Cho nên điều khác hay dở thế nào mặc lòng mà hai mối đó thì là mối quan hệ thứ nhất, cái danh giá nhẹ, trước hết phải lấy đó mà cân, rồi mới cân đến điều khác được.

Ấy là cái tính tình riêng của ta, chớ so với lý tưởng các nước văn minh, thì vị tất điều hay của ta đã toàn là hay, điều dở của ta đã toàn là dở.

Thiết tưởng cái trình độ dân trí của ta, mỗi ngày một tấn tới hơn một chút, thì tính tình chắc sao cũng thay đổi ít nhiều. Nhưng trong tính tình đó chắc sao cũng nhiều điều là quốc túy của ta và cũng hợp với lẽ phải chung cả hoàn cầu, như những điều lễ nghĩa liêm sỉ, đạo đức trung thành, v.v... thì dầu đến bao giờ cũng không nên đổi, mà cũng không sao đổi được cái lẽ tự nhiên của tạo hóa ấy.