Bước tới nội dung

Tuyết hồng lệ sử/Bạt

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
BẠT

Người bạn của tôi là Uông Quân rất là một người thâm tình mỗi khi xem đến quyển Thạch-đầu-ký thì lại rớm nước mắt Tôi vẫn lấy làm buồn cười, nhưng tôi cười Uông Quân chính là tôi kém Uông-Quân xa. Khi trước tôi mới được xem quyển Ngọc-lê hồn, vỗ tay xuống bàn mà thở dài, tiếc thay Uông-Quân chưa được xem tập văn này, nếu xem qua có lẽ lại tốn bao nhiêu nước mắt vào đấy. Nhưng sau khi có quyển Ngọc-lê-hồn, sao lại còn có quyển lệ-sử này, hay là giọt lệ của người thương tâm, một quyển sách không thấm hết được hay sao? Vả cái giọt lệ cứ phải rơi vãi cho hết thì mới sướng hay sao?

Uông-Quân tạ trần đã hơn hai mươi năm rồi, chưa từng được trông quyển Ngọc lệ-hồn và quyển Lệ-sử. Than ôi! cái văn này, giá khi nào chở một mái chèo qua quãng lá vàng lau rắng, cắp quyển sách đến bên cạnh cây mai ở trước mộ người bạn ta, chiêu hồn lên mà đọc một lượt rồi đốt đi chắc có lẽ Uông-Quân sống khôn chết thiêng cũng giỏ thêm một ít nước mắt vào đống tro tàn này!

Phàm thiên-hạ những người nhiều nước mắt, tức là nhiều tình, mà chính là người nhiều tài, cái nước mắt cảnh già của tôi không được bao nhiêu, là vì không có tài, mà cũng không có tình, không có tài đã đành, chứ không có tình sao được? Người xưa nói rằng: « Vô tình thì sống làm chi ở đời », nghĩ như tôi thật là một người thừa vậy.

Nhưng mà hoa rụng tơi bời, chim kêu ríu-rít, mở tập văn này dẫu không bán nước mắt, cũng đã không gọi lại được cái hồn sầu. Cảm vì Mộng-Hà dư? Cảm vì Lê Ảnh dư? Cảm vì Trẩm-Á dư? Hỏi cành hoa rụng, hoa không biết nói; hỏi con chim kêu, chim không thèm nghe.

Đêm mưa rườn rượt, bóng đèn tờ mờ, hình như nghe tiếng nức nở, hình như nghe tiếng thở-dài, tưởng hình như danh-sĩ giai-nhân đứng cả ở bên tập văn này, chợt nghe tiếng gió lay sạt-sạt, lắng nghe kỹ thì chỉ thấy thằng bé học trò đang ngáy ngủ!

Mộng-Hà là người si. Lê-Ảnh là người si. Trẩm-Á cũng là người si, tôi chưa chắc đã không si, biết là si mà cứ si, cười người ta si mà cứ muốn cho mình đừng si, thế lại là si nữa, nghĩ cho kỹ, tôi cứ muốn chừa cái si không bằng người ta cứ si lại còn hơn.

Người tài-nhân làm sách, đem máu và nước mắt hòa lẫn mực mà viết ra, không thế thì không hay, xem không thấy vui mà chỉ thấy buồn, nhưng có cái văn tán-tụng công-đức, thì tả ra được bao nhiêu cái tính-tình, mông-mênh trời đất, biết ai là khách tri-âm. chỉ còn ngòi bút là biết nhau đến sự chua cay ngon ngọt mà thôi. Vậy những người tài-nhân không giám hà-tiện những giọt lệ giọt máu mà làm những văn này, quyển Ngọc-lệ-hồn đã tốn biết bao nhiêu huyết lệ, mà quyển Lệ-sử lại tốn biết chừng nào, nhưng cũng không nên tiếc làm gì, không nên thương làm gì, nghìn năm văn vẫn hay còn, thì cái huyết-lệ cũng không bao giờ mất được.

Xưa nay bàn chữ tính-tình. thường hay cho tình đi đằng tình, tính đi đằng tính, nhưng ý kiến riêng của tôi thì cho rằng tính mà chính tức là tình, tình mà bất-chính thì tức là dục như chuyện nào nói cái tình chính đính, tức là tác giả nói chữ tình. Tôi thường đề quyển Ngọc-lệ-hồn rằng:

Chữ tình chữ dục bể xa trời,
Giấc mộng mơ hồ chớ nhận sai;
Văn quyển Ngọc-lê lời chính-giác,
Bể tình chuông đã giọt vang tai.
Trăm năm lòng dục đầy vơi.
Văn-chương gọi tỉnh hồn người trầm-luân.

Xưa đã có câu thơ chê Bạch-thái-phó rằng: « Để dành nước mắt khóc Thương-sinh. » Than ôi! Thương sinh đã bị người cười chán rồi còn khóc gì nữa, nhưng văn của Từ Trẩm-Á, biết đâu không phải là đem cái bụng liên-tài mà gửi vào câu mỹ-nhân phương-thảo chăng?

TRẦN-BỐC-HUÂN.