Bước tới nội dung

Tuyển tập tiểu thuyết Lỗ Tấn/Lời người dịch

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

Tiểu thuyết của Lỗ Tấn chỉ có đoản thiên, không có trường thiên. In thành hai tập : một tập ra trước là Nột hám, gồm có mười bốn thiên ; một tập ra sau là Bàng hoàng, gồm có mười một thiên. Ông viết những đoản thiên này từ năm 1918 đến năm 1925, về sau không viết thể văn đó nữa, xoay qua viết tản văn nghị luận hoặc đả kích mà ông gọi là "tạp cảm".

Chủ đề của những truyện ngắn Lỗ Tấn đại để là : đánh đổ đạo đức lễ giáo phong kiến ; chỉ ra bệnh căn xã hội cũ ; bộc lộ những cảnh suy lạc ở nông thôn, tình trạng phụ nữ bị áp bách, cái di hại của cựu học và cái phù phiếm không thực tế của tân học. Nhân vật và đề tài của nó đại để là : bần cố nông, đàn bà nghèo chết chồng hay bị chồng bỏ, nhà nho lỡ vận, tiểu tư sản tri thức và thanh niên nam nữ trong trào lưu tư tưởng mới.

Đọc tiểu thuyết Lỗ Tấn như đọc một thiên lịch sử, thấy cái xã hội Trung Quốc trước và sau Cách mạng Tân Hợi, dưới những ách phong kiến, gót sắt quân phiệt, xiềng xích đế quốc, tình trạng rất là bại hoại, tiêu điều, nguy ngập, nó phải đòi hỏi một cuộc cách mạng khác triệt để hơn. Một điều hình như thiếu sót là tác giả chỉ đưa vấn đề ra mà không giải quyết. Chính Lỗ Tấn cũng có nói : "Tôi bộc lộ cái bệnh căn của xã hội ra, thúc giục người ta để ý, kiếm cách sửa chữa". (Bài tựa Lỗ Tấn tự truyện tập). Có lẽ cũng vì đó mà, sau Tưởng Giới Thạch làm phản Cách mạng năm 1927, khi Trung Quốc tràn ngập cái họa nội loan ngoại xâm, Lỗ Tấn xoay qua, trong không đầy mười năm, viết mười một tập tản văn gọi là tạp cảm để đấu tranh cụ thể hơn, càng mãnh liệt hơn.

Dù vậy, tiểu thuyết Lỗ Tấn vẫn không vì đó giảm kém giá trị của nó. Bởi nó bao giờ cũng đi sát với hiện thực xã hội, nhờ ngòi bút sắc bén giải phẫu linh hồn mọi người, làm cho ai đọc đến đều phải giật mình, thấy cái cũ thối nát đành bỏ, cái mới tốt đẹp đáng theo. Tức như Nhật ký người điênA Q. chính truyện đã có ảnh hưởng rất lớn cho cách mạng văn hóa Trung Quốc và cũng làm viên đá tảng đầu tiên đặt vững cái nền cách mạng văn học Trung Quốc. Cho nên, văn chương Lỗ Tấn, kể về lượng thì tiểu thuyết không bằng tản văn tạp cảm, mà kể về phẩm thì hai thứ ngang nhau.

Bảy thiên in trong tuyển tập này, sáu thiên đầu dịch từ Nột hám, thiên sau cùng dịch từ Bàng hoàng. Chỉ có một thiên Chúc phước từng đăng trên Tạp chí Văn nghệ năm 1950, còn thì chưa hề in ra ở đâu.

Gọi bằng "tuyển tập", tuyển theo hai tiêu chuẩn : một là những truyện nào, theo người dịch thấy, gần với tánh tình phong tục người Việt Nam ; một là những truyện nào người dịch hiểu hết được ý nghĩa, nhất là nắm được chủ đề nó. Có thể sau này sẽ dịch tất cả, nhưng hiện nay hẵng tuyển bảy thiên này dịch trước.

Trong những truyện, có chỗ dùng điển tích ở sách xưa, có chỗ cần phải hiểu với lịch sử cận đại Trung Quốc, có chỗ dụng ý hơi sâu kín, tôi đều có chú thích theo cái biết của mình. Còn những từ ngữ bằng chữ Hán mà người Việt Nam thường cũng có nói đến như "tái ông thất mã an tri phi phước", "thiên hữu bất trắc phong vân", thì không chú thích.

Cái truyện ngắn nào, tự nó đã thuyết minh chủ đề của nó, như Khổng Ất Kỷ, Chúc phước, xem qua khắc hiểu, thì không có lời giải. Nhưng cái nào, chủ đề hơi khuất kín : nói một nơi mà phải hiểu một nơi như Nhật ký người điên, không nói ngay chánh diện mà nói bên cạnh như Chuyện cái đầu tóc, hay là chủ đề phức tạp và tản mạn như A Q. chính truyện, thì tôi có viết mấy lời lược giải ở sau truyện, gọi là "Nêu đại ý".

Về sự dịch, tôi theo lối "trực dịch" của Lỗ Tấn mà tôi cho là lối dịch lý tưởng nhất. Nghĩa là nguyên văn thế nào cứ thông ngôn ra thế ấy, không bớt đi hay thêm vào, khi cực chẳng đã lắm thì mới đảo lên đảo xuống những mạng đề. Chẳng những theo sát ý nghĩa của nguyên văn mà còn phải truyền đạt thân tình của nguyên văn, đồng thời lại không được phản giọng điệu tiếng bổn quốc. Đó là cái đích tôi nêu lên để nhằm mà theo, thực sự, có theo được đúng hay không, lại là chuyện khác.

Không phản giọng điệu tiếng bổn quốc, nhưng có khi lại muốn thêm giọng điệu cho tiếng bổ quốc. Như câu nguyên văn "nhất đại bất như nhất đại", theo tiếng ta đáng lẽ phải nói "mỗi đời một tệ", nhưng tôi đã không nói thế mà dịch đúng theo "một đời chẳng bằng một đời", là muốn thêm một cách nói cho tiếng ta.

Có một vài điều cần phân bua với bạn đọc là : có những danh từ biết là dịch không đúng mà không thể dịch đúng được, như "ba tiêu phiến" mà dịch là "quạt lá vả", "tùng hoa phạn" mà dịch là "cơm gạo hoa khế". Lại có những danh từ tra tự điển không có, không biết hỏi ai, dịch liều cho qua việc, như bốn thứ chim "đạo kê, giác kê, bột cô, lam bối" mà dịch là "sáo, cưởng, chim gâu, chim sả", may ra chỉ trúng được hai thứ sau. Sự dịch liều ấy là một cái lỗi lớn, mong về sau tìm biết được sẽ chữa lại cho đúng.

Ngoài ra, công việc dịch này không làm liên tiếp một thời gian mà làm cách khoảng. Hai thiên Sóng gióLàng quê mới dịch sau khi hòa bình thắng lợi trở về thủ đô ; Nhật ký người điên dịch năm 1949, còn bốn thiên kia dịch năm 1947, đều ở trong thời kỳ kháng chiến. Có thể vì sự cách khoảng ấy mà thể lệ dịch có chỗ trước sau không in nhau tuy đã có kiểm soát qua mấy bận rồi.

Trong bài Tiểu dẫn Cận đại đoản thiên tiểu thuyết tập, chính Lỗ Tấn có nói : Thứ văn chương làm bia kỷ niệm một thời đại, không thường có trên văn đàn, nếu có, cũng chín phần mười là những bộ sách lớn. Lấy một thiên tiểu thuyết ngắn mà làm thành ra cái cung đền lớn, chỗ ở của tinh thần thời đại, thì thật là hiếm thấy" (Tam nhàn tập, trang 132). Lại trong bài Tiểu dẫn Người nghèo của Dostoevsky, Lỗ Tấn có nói : "... Đào đến chỗ sâu của linh hồn, khiến người ta chịu khổ hình mà bị thương, lại cũng ngay từ trong sự bi thương, băng bó, chữa lành đó thoát được cái khổ mà đi lên con đường sống lại" (Tập ngoại tập, trang 100). Đó là ông nói về giá trị và tác dụng của truyện ngắn kiệt tác trên thế giới, và của một nhà đại văn hào Nga, nhưng tôi tưởng truyện ngắn của ông cũng thế.

Cái "cung đều lớn" ấy, không nói "hiếm có" mà nói "hiếm thấy", còn có lẽ nó "có" mà ít ai "thấy" chăng ? "Đào đến chỗ sâu của linh hồn" : truyện ngắn là "sâu" ? "Sâu" tới đâu ? Cái "sâu" ấy thật là khó lòng cho tầm con mắt cạn. Vì nghĩ như vậy, tôi đã cố gắng hết sức, để toàn tâm toàn ý vào việc dịch này, nhưng không dám chắc mình đã thấy cái lớn cái sâu của tác giả.

Mới rồi xem tạp chí Tân kiến thiết, trong một số nào đó, thấy ông Tôn Phục viên, người học trò cũ và là bạn đồng sự của Lỗ Tấn, viết một bài ngăn ngắn nói về cái đoản thiên Nhật ký người điên mà bị đến mấy người chỉ trích, làm ông ấy phải tự kiểm thảo và nhận lỗi, tôi mới nhớ ra mình là người Việt Nam, dù thận trọng cho mấy cũng không khỏi có sự sai lầm. Vậy sau khi cuốn Tuyển tập này in ra, rất mong bạn đọc chỉ giáo cho. Tôi cũng mong bạn đọc đừng nghĩ rằng tôi viết đoạn cuối cùng này là để chực đánh tháo trốn trách nhiệm.

Phan Khôi
(Viết ngày 28 tháng 7 năm 1955 tại Hà Nội)