Bước tới nội dung

Vương Dương Minh/Phần nhì/II

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Vương Dương Minh của Phan Văn Hùm
II. Tâm, khởi điểm của Vương học

II. TÂM
KHƠI ĐIỂM của VƯƠNG HỌC

Mấy ngàn năm văn hiến, nước Tàu lại khuyết hẳn một nền triết học, xứng với cái danh hiệu nầy, nếu ta phải định nghĩa.

Triết học là sự tìm tòi lý nghĩa của tất cả những vật, thuộc hình-nhi-hạ cũng như thuộc hình nhi-thượng, bằng lý tính của con người chịu nội tại và ngoại tại hai mặt tự-kỷ phê phán[1]

Triết học phát sinh từ chỗ người có ý thức nhận thấy mình có ý thức, và thấy trong ý thức có hai nguyên tố, là « ta » với « ngoài ta ».

Khảo về cái « ngoài ta » có phần dễ. Khảo về cái « ta » lắm gian-nan, vì chỉ phải lấy cái « ta » mà khảo cái « ta ».

Cho đặng khảo về cái « ta » thời cái ta phải tẩy tịnh hết những cái gì không phải là nó, phải đến chỗ « thuần hóa » 醇 化 mà người phương tây gọi là catharsis[2].

Sau khi cái « ta » được thuần hóa rồi, nó lại phải bước lên một từng nữa, đến chỗ nó phải « huyền ngưng » 懸 凝, mà người phương tây gọi là épokê[3]. Nếu nó không huyền ngưng thời nó không tự đặt nó làm đối tượng cho nó được (se voser comme objet).

Triết học nước Tàu không đi tới chỗ thuần hóa, huyền ngưng của cái « ta » như thế.

Lão Trang, tuy có nhuốm màu tư-biện[4] 思 辦, mà về vấn đề vũ trụ, về vấn đề nhân sinh, về vấn đề tư duy, chỉ còn ở trình độ trẻ con bập-bẹ chưa nên lời của triết học Sánh với Ấn-Độ hãy còn kém xa, nữa chi là nói đến Âu-Châu, La-Mã, Hy-Lạp.

Đạo Khổng, về phương diện tư biện, còn sụt xuống dưới học thuyết Lão Trang mấy từng. Nó chỉ là một mớ tư-tưởng thật-tiễn, một nền văn cách-ngôn (littérature gnomique) về xã hội, nhân tâm chưa thành hệ-thống khít-khao vững-vàng. Trong hai ngàn năm, từ Khổng-tử tới Vương Dương-Minh, nó co-rút lại mà tự thủ, thật là « trinh liệt ». Trung gian có Tống-nho đem phanh-phui nó ra, thời có, chớ không phát xiển tài bồi gì cho nó thêm mạnh-mẽ. Học phong của Tống-nho đưa lại thói tệ ký-tụng từ chương và huấn cỗ[5]. Mà học thời cốt để đi thi cử.

Vương Dương Minh trưởng thành trong thời đại mà Tống nho còn ảnh hưởng nặng nề, ba trăm năm sau khi Châu Hy đã qua đời[6] Ngay từ thuở tuổi mười hai, tiên sinh cãi với thục-sư về mục-đích sự học, đã tỏ chí muốn làm thánh hiền. Mà theo nhịp của thời đại mình, tiên sinh cũng phải đeo đuổi học cử-nghiệp Bởi đó là đường duy nhất để lập công danh, và cũng bởi dòng dõi khoa hoạn, phải theo đà của ông cha mà bước rấn vào lối tầm thường. Ký tụng từ chương đã mấy công phu thi hội hai lần lạc đệ, tiên sinh xoay qua cung kiếm, lăm le đoạt vũ cử để len lỏi vào quan trường. Nếu không vì thể chất yếu mà phải đi tìm đạo dưỡng sinh, chưa ắt tiên sinh đã khỏi tự túc trong trường áo mão,

Theo dõi Châu Hy, tiên sinh khổ khắc trục vật. Có lần lấy trúc thử cách trí. Cách trí không xong, mà trí đã nhọc nhằng cho đến phát bịnh, ngã lòng, rồi tự yên ủi rằng thánh hiền phải có phận mới làm được.

Đến sau theo về đạo Lão, đạo Thích, công phu mất vài ba mươi năm, tiên sinh cứ lấy làm tiếc uổng. Nhưng rốt lại, hai đạo ấy dạy cho tiên sinh một chữ « tâm » có quan hệ cho một đời tư tưởng. Cho mới biết: một lời có khí định được một đời. Chính tiên sinh cũng thú nhận một cách thành thật:

« Thù. Tứ, truyền đến Mạnh Tử mà rồi ngừng. Xuống đến một ngàn năm trăm năm ngoài, Liêm Khê, Minh Đạo mới lại truy tầm mối manh của nó. Từ đó về sau biện-tích ngày một tường, nhưng cũng ngày một đến chỗ chi-ly quyết liệt, mà trở lại mịt mờ. Ta thường thám cầu duyên cớ sự ấy, thời thấy rằng đại để vì thế-nho lắm lời nên loạn đạo. Thuở nhỏ ta sớm tập cử nghiệp, nịch chí nơi từ chương. Hồi mà hơi biết theo về chánh học, lại khổ nỗi thấy chúng thuyết phân nhiễu, không biết đâu là lối vào. Nhân đó mới đi cầu nơi đạo Lão, đạo Thích, rồi hân-nhiên hiểu ở chỗ con « tâm », biết thánh học là ở tại « tâm » vậy ». (Tựa cho Châu Tử Vãn-niên Định-luận).

Tiên sinh trách Tống Nho bỏ cái gốc mà chạy đi phụng sự những cái ở bên ngoài 無 本 而 事 於 外 (Lời Tự biệt Trạm Cam Tuyền). Socrate kéo triết học trên trời xuống lòng người, với câu: « Ngươi hãy biết lấy ngươi » Vương Dương Minh kéo về « tâm » cái triết học đương chịu ảnh hưởng của Châu Hy mà bàn hoàn nơi « vật ».

Bắt mối từ chỗ « tâm », tiên sinh lại quay về đạo Khổng. Tưởng cũng là do hoàn cảnh xã hội tư tưởng mà ra. Bấy giờ thiên hạ đương nhao nhao « thị Châu phi Lục » 是 朱 非 陸. Châu Hy phát xiển đạo Khổng, đã đưa nó về đường duy vật tiến hóa luận (évolutionnisme matérialiste) tìm lý nơi sự vật. Cách vật trí tri 格 物 致 知 là bổn chỉ của học thuyết Châu Hy. Đồng thời với Châu Hy có Lục Cửu-Uyên phản đối lại, mà chủ trương rằng « tâm tức là lý » 心 卽 理, Vương Dương Minh đã nhờ Lão, Thích mà rõ cái đạo « tâm », khi trở lại Khổng tất theo về họ Lục.

Thuyết của họ Lục làm hả lòng tiên sinh. Chữ « tâm » cũa họ Lục ăn với chữ « tâm » của tiên sinh đã tìm thấy trong Lão, Phật, lại cũng là chánh gốc của đạo Khổng. Cái học của những bậc thánh hiền đời thượng cổ. là học để mà « minh luân » mà thôi. Vua Thuấn truyền ngôi cho vua Vũ có dặn: « Nhân tâm duy nguy. Đạo tâm duy vi. Duy tinh duy nhất, doãn chấp quyết trung. »

古 聖 賢 之 學 明 倫 而 已, 堯 舜 之 相 授 受 曰: 人 心 惟 危 道 心 惟 微 惟 精 惟 一 允 執 厥 中,

Văn Lục, ký[7]

Nhận được cái đạo tâm ấy, tiên sinh phải đi một con đường trắc trở cam go, Tiên sinh trải ba năm bị đày ở trạm Long Trường, giữa núi sâu rừng thẳm, chen lộn với ma thiêng nước độc, sống chung với dân chưa khai hóa, sách vở không có trong tay, tầm chương trích cú nhân đó mà vứt bỏ được.

Mạnh Tử nói: « Tin cả nơi sách, ắt không bằng không có sách » 盡 信 書 不 如 無 書. Nghe rằng Auguste Comte trong mười năm không đọc sách, để tránh cho tư tưởng mình cái ách của tư tưởng người khác mà viết ra bộ Cours de Philosophie Positive.

Vương Dương Minh không phải cố rời sách — Song mà, rủi, hay là may lại rời sách. Khỏi cái nạn tầm chương trích cú, tiên sinh cầu học nơi tâm, mà rồi được đạo, được có Vương học[8]

Cái đạo của tiên sinh thật là « sinh ư ưu hoạn » 生 於 憂 患 như lời của Mạnh Tử đã dạy, mà tiên sinh có nhắc lại, trong một bức thơ gởi cho Vương Thuần Phủ 王 純 甫 năm nhâm thân (1512)

Có điều tiên sinh lấy làm lạ, sao một nhà đại nho như Châu Hy lại không thấy tâm là gốc, mà bo bo chạy theo vật? Mãi đến khi về làm quan ở Nam Kinh, có dịp đọc lại khắp các sách vở của Châu Hy, mới thấy được những lời của nhà đại nho nầy ăn năn lúc đã già và đã bị mờ cả mắt không còn đọc sách được nữa. Thơ cho Phan Thúc-Độ 潘 叔 度, Châu Hy nói:

« Hy suy bịnh, năm nay may chưa đến kịch liệt, nhưng tinh lực càng suy, mục-lực vắn bẵn, xem văn tự không được nữa. Nhắm mắt tịnh tọa, lại thân được phóng tâm, thấy được ngày trước chạy tìm bên ngoài (tâm) không phải ít. Rất giận cho không mù lòa sớm sớm ».

熹 衰 病, 今 歲 幸 不 至 劇, 但 精 力 益 衰 助 全 短, 看 文 字 不 得 冥 日 静 坐 卻 得 收 拾 放 心 覺 得 日 前 外 酉 走 作 不 少 頗 恨 盲 廢 之 不 早 也,

Thơ cho Hà Thúc Kinh 何 叔 京 Châu Hy lại than:

« Cái tội ngày trước dối mình dối người, không sao chuộc được ». 日 前 自 誑 誑 人 之 罪 蓋 不 可 勝 贖.

Thế là mãi đến ngày tàn Châu Hy mới thấy mình lầm mà Lục Cửu Uyên phải, bèn viết thơ cho họ Lục tỏ ý ăn-năn, nói rằng không biết có lúc nào được gặp để đàm luận xem còn chỗ nào có dị đồng.

甚 恨 未 得 從 容 面 論 未 知 異 時 相 是 尚 復 有 異 同; 否 耳

Được thấy những lời ăn năn của Châu Hy, Vương Dương Minh càng vững chí trên đường tâm học. Ngày mồng 1 tháng 11 năm ất hợi (1515) tiên sinh sao lục những thơ lúc già của Châu Hy mà đề tựa, rồi cho khắc thành bản Châu-tử Vãn-niên Định luận.

Tâm là gì?

Một câu hỏi ấy, tự thiên cổ, nhà triết học đông, tây, đều lấy làm băn khoăn, tìm trả lời. Vương Dương Minh, tuy không được như hiền triết tây phương, không có một cơ đồ tư biện phân tích, đồ sộ như họ song cũng còn hơn nhiều người cửa Khổng. Tiên sinh nói: « Chủ của thân, ấy là tâm ». 身 之 主 爲 心 (Trả lời cho Từ Ái. Truyền Tập Lục, thượng). Cái tâm ấy nó thống quản ngũ quan 心 統 五 . Nếu không có tâm, thời tiện thị không có tai, không có mắt, không có miệng, không có mũi, 無 汝 心 便 無 耳 目 口 鼻 (Trả lời cho Tiêu Huệ 蕭 惠. Truyền Tập Lục, thượng). Tai, mắt, miệng,, mũi, tứ chi, là thân vậy. Không có tâm, làm sao tai nghe được, mắt thấy được miệng nói được (nếm được), mũi ngửi được, tứ chi động được? Nhưng mà nếu không có thân thời tâm cũng không có. Cho nên, không có tâm, ắt không có thân; mà không có thân, ắt không có tâm.

耳 目 口 鼻 四 肢. 耳 也, 非 心 安 能 視 聽 言 動? 心 欲 視 聽 言 動, 無 耳 目 口 鼻 四 肢 亦 不 能. 故 無 心 則 無 身, 則 無 心

(Trả lời cho Cửu Xuyên 九 川 Truyền Tập Lục, thượng).

Tâm với thân quan hệ nhau như thế. Tâm là cái không cứ một chỗ nào trong thân. Phàm tri giác ở đâu là tâm ở đó. Như tai nghe, mắt thấy, tay chân biết đau ngứa, bao nhiêu những cái tri giác ấy đều tiện thị là tâm.

凡 知 覺 處 便 是 心 如 耳 目 之 知 視, 聽 手 足 之 知 痛 癢, 此 知 覺 便 是 心

(Truyền Tập Lục, hạ). Cứ cái định nghĩa đó, thời « tâm » của Vương Dương Minh là cái mà ngày nay ta gọi là « ý thức » và người Pháp gọi là conscience psychologique.

Tâm tức là cái đê biết. Nhưng trong sự biết nào cũng có hai điều: một là cái « biết » hai là cái « bị biết ». Hay là nói khác nữa: một bên « chủ » một bên « khách », một bên « ta » một bên « ngoài ta », một bên « tâm » một bên « vật ». Tâm với vật là hai cái giáp bản 夾 板 (diptyques) đi đôi.

Quan hệ giữa tâm và vật (rapport du sujet et de l'objet) như thế nào? Vương Dương Minh đáp rõ ràng, như trong chuyện sau nầy. Một hôm tiên sinh dạo chơi Nam Trấn. Có người bạn chỉ cây bông trong hang núi mà hỏi: « Như cây bông nầy, tại chốn thâm sơn tự nở tự tàn đối với tâm của ta có quan hệ như thế nào? » Tiên sinh nói: « Khi anh chưa nhìn hoa, thời hoa nầy với lòng anh đều là tịch không. Khi anh lại đây nhìn hoa nầy thời nhan của nó rõ ra. Cho mới biết hoa nầy không ngoài tâm của anh ».

先 生 遊 南 鎮 一 支 指 岩 中 花 樹 問 曰 如此 花 樹 在 深 山 中 自 開 自 落 於 我 心 亦 何 相 關, 先 生 曰, 你 來 看 此 花 時 此 花 與 汝 心 同 歸 於 寂 你 來 看 花 時 則 此 花 顏 色 一 時 明 白 起 來, 便 知 此 花 不 在 你 的 心 外,

(Truyền Tập Lục hạ). Cứ theo lời nói đó, thời đối tượng (objet) của tâm, chỉ là cái đã chiếu vào tâm (copie de la réalité). Ngoài tâm không có vật 心 外 無 物. (Trả lời cho Thượng Khiêm 尚 謙.. Truyền Tập Lục. thượng) Vật, chỉ là vật trong tâm

Học-thuyết của Vương Dương Minh hẳn là duy tâm (idéaliste). Cái tâm ấy, tiên sinh lấy ở Phật giáo mà ra, đem tra vào cho đạo Khổng. Duy tâm của tiên sinh gần triệt để. Xích một chút nữa sẽ kịp Platon. Tiên sinh nói: « Như tâm của ta phát ra cái ý-niệm hiếu với cha mẹ thời sự hiếu với cha mẹ ấy tiện thị là vật » 如 吾 心 發 一 念 孝, 親 即 孝 親 便 是 物 (Cũng trả lời cho Thượng Khiêm). Theo Platon quan niệm (Idées) là thật hữu (réalités) và chỉ có quan niệm mới là thật hữu. Nếu Vương Dương Minh cũng nhận như Platon rằng quan niệm là thật hữu, tiên sinh lại thêm nhận theo thường thức rằng vật chất cũng là thật hữu. Nhưng cái thật hữu nào, đối với tiên sinh cũng phải chiếu vào tâm mà mới thật hữu được. Cái linh-minh của ta (cái tâm của ta) là chủ tể của trời, đất, quỉ thần. Trời mà không có linh minh của ta, thời lấy ai ngưỡng trông biết trời cao? Đất mà không có linh minh của ta, thời lấy ai cúi nhìn biết đất dày? Quỉ thần mà không có linh minh của ta, thời lấy ai bàn việc cát, hung, tai tường của quỉ thần? Trời, đất, quỉ, thần vạn vật mà lìa linh minh của ta, tiện thị không có trời, đất, quỉ, thần vạn vật. Mà linh minh của ta, nếu lìa trời, đất, quỉ, thần, vạn vật, thời cũng không có linh minh được.

我 的 靈 明 便 是 天 地 鬼 神 的 主, 宰 天 没 有 我 的 靈 明 誰 去 仰 他 高? 地 沒 有 我 的 靈 明 誰 去 俯 他 深, 鬼 神 没 有 我 的 靈 明 誰 去 辯 他 吉 凶 災 祥? 天 地 鬼 神 萬 物, 離 却 我 的 靈 明 便 沒 有 天 地 鬼 神 萬 物 了, 我 的 靈 明 離 却 天 地 鬼 神 萬 物 亦 沒 有 我 的 靈 明.

(Truyền Tập Lục, hạ)

Song mà ta đây, tâm ta đây là tâm của trời đất. 人 是 天 地 的 心 (Truyền Tập Lục. hạ).

Vậy bổn thể của tâm là gì?

Tìm xét về vấn đề nầy, Vương Dương Minh sẽ từ chỗ nhận thức ngả qua luân lý Tiên sinh nói: « Tâm không phải à một khối máu thịt » 心 不 是 一 塊 血 肉 (Truyền Tập Lục, hạ). Như người đã chết rồi cái khối máu thịt kia vẫn còn đó, cớ sao không hay thấy, không hay nghe không hay nói, không hay cử động?

如 今 已 死 的 人, 那 一 團 血 肉 還 在 緣 何 不 能 視 聽 言 動,

(Trả lời cho Tiêu Huệ). Tâm không có thể. Nó lấy sự thị phi của nó cảm ứng đối với trời, đất, muôn vật, mà làm cái thể cho nó.

心 無 體, 以 天 地 萬 物 感 應 之 是 非 爲 體,

(Trả lời cho Chân Bổn Tư 朱 本 思 Truyền Tập Lục, hạ).

Thế là một đề từ mới (un nouveau terme) lại thêm vào, là « thị phi ». Vương Dương Minh đưa ta đến đây là cùng đường rồi. Tiên sinh không giải thích « thị phi » là gì Chỉ gọi cái biết nhận thị phi là « lương-tri » 良 知. « Cái tâm biết thị phi, nó không lo nghĩ mà biết, không học tập mà hay, cái đó gọi là lương tri ».

是 非 而 心 不 慮 而 知 不 學 而 能 所 謂 良 知 也,

(Truyền Tập Lục, trung. Trả lời cho Nhiếp Báo 聶 豹.) Định nghĩa « lương tri » nầy, tiên sinh lấy trong sách Mạnh Tử nơi quyển XIII, chương « Tận Tâm » 盡 心, phần trên. Mạnh Tử nói: « Cái người ta không học mà hay, là cái lương năng, cái người ta không lo nghĩ mà biết, là cái lương tri ».

人 之 所 不 學 而 能 者 其 良 能 也 所 不 慮 而 知 者 其 良 知 也

Vương Dương Minh đem lương năng hóa nhập vào lương tri. Lương tri của Vương Dương Minh cũng là lương năng nữa.

Cái lương tri, hay là cái tâm nhận thị phi đó, tức là cái mà ta gọi là lương tâm (conscience morale) Lương tri nầy thuộc về mặt « trí » (côté intellectuel) mà tri giác nói trước đây thuộc về mặt « tình » (côté affectif) của một con tâm duy nhất nơi học thuyết Vương Dương Minh. Tâm ấy không có thể. Nó tùy theo mặt « tình » hay mặt « trí » mà mượn thể nơi tri giác hay nơi lương tri của trời đất muôn vật cảm ứng vào nó,

Về mặt « trí », thời cái thể của tâm, là « tính » 性, 心 體 也 (Thơ trả lời Uông Thạch Đàm 汪 石 潭 — Văn Lục.) Đây cũng vẫn là diễn lại tư tưởng của Mạnh Tử — Chương « Tận Tâm » Mạnh tử nói: « Hết cái tâm, biết cái tính » 盡 其 心 知 其 性 也. Do đó Vương Dương Minh cũng nói: « Tâm tức là tính » 心 即 性 (Truyền Tập Lục, thượng.) Kể về hình thể, thời gọi là trời, kể về sự chủ tể, thời gọi là vua, kể về sự lưu hành thời gọi là mạng kể về sự phú bẩm ở nơi người, thời gọi là tính, kể về sự chủ tể ở nơi thân, thời gọi là tâm. Tâm phát ra, đối với cha thời thành ra hiếu, đối vua, thời thành ra trung, cứ như thế mà đi đến vô cùng, những cái tên hóa ra vô cùng, mà chỉ gốc nơi một cái tính đó mà thôi. Cùng như cùng thời một thân người, mà đối với cha, thời gọi là con, đối với con, thời gọi là cha, cứ như thế mà đi đến vô cùng, mà chỉ gốc cũng một người mà thôi.

自 其 形 體 也 謂 之 天 主 宰 也 謂 之 帝, 流 行 也 謂 之 命 賦 於 人 也 謂 之 性, 主 於 身 也 謂 之 心, 心 之 發 也 遇 父 便 謂 之 孝 遇 君 便 謂 之 忠, 自 此 以 往, 名 至 於 無 窮, 只 一 性 而 已 猶 人 一 而 已, 對 父 謂 之 子 對 子 謂 之 父, 自 此 以 往, 各 至 於無 窮, 只 一 性 而 已 猶 人 一 而 已 對 父 謂 之 子 對 子 謂 之 父 自 此 已 往 對 至 於 無 窮 只 一 人 而 已,

(Trả lời cho Lục Trừng)

(Truyền Tập Lục, thượng.) Tính hay là lương tri, hay là tâm, là cái có tự nhiên, do trời phú bẩm cho con người Nếu phải hỏi lên đến Khổng Tử, thời ta thấy nơi sách Trung Dung nói: « Cái trời mạng cho thời gọi là tính » 天 命 之 謂 性 Bởi cho nên Vương Dương Minh cũng chủ trương: « Tâm, tính, trời, là một vậy 心 也, 性 也, 天 也 一 也 (Trả lời cho Nhịếp Báo — Truyền Tập Lục, trung.) Nhưng ba cái đó, mặc dầu, về bổn thể vẫn là một, mà ở nơi người phẩm cách, lực-lượng khác nhau nên hóa ra có giai cấp, không thể nhảy bỏ bực thứ mà được

然 而 三 者 人 品 力 量 自 有 階 級 不 可 躐 等 而 能 也,

(Tiếp câu trả lời trên đây.) Cũng như học chổi dậy, học đứng, học bước là việc đầu để học chạy ngàn dặm.

正 如 學 起 立 移 步 使 是 學 奔 走 千 里 之 始

(Cũng tiếp câu trả lời trên) Nghĩa là cứ nơi tâm, dùng công phu, mà rồi lần biết tới gốc của nó là trời. Trời của Vương Dương Minh, ta không nên hiểu nó là thần linh, chỉ nên hiểu nó là cái « hư linh » 虛 靈 (chính là tiếng của tiên sinh nói ra.) Nó là hư linh, nghĩa là nếu không có cái tâm của con người thời nó vẫn là «hư» là không có — Tính là cái của trời phú cho. Tính tức là lý 性 即 理 (Truyền Tập Lục, thượng)

Cuộc phân tích cái tâm, hay là nói cách khác, cuộc thuần hóa (catharsis) của Vương Dương Minh dẫn đến chỗ huyền ngưng (épokê) là lý. Rốt lại « bổn thể của tâm, tức thị là thiên lý » 心 之 本 體, 即 是 天 理 (Truyền Tập Lục, trung. Trả lời cho Đạo Thông 道 通).

Thiên lý không có động. Cho nên bổn thể của tâm cũng không động.

心 之 本 體 原 自 不 動 心 之 本 體 即 是 性, 性 即 是 理, 性 元 不 動, 理 元 不 動.

(Trả lời cho Thượng Khiêm. Truyền Tập Lục. thượng.) Vì chỗ bất động đó, cho nên bổn thể của tâm không thiện, không ác chi cả. 無 善 無 悪 是 心 之 體 (Rút trong bốn câu tông chỉ, của tiên sinh dạy Tiền Đức Hồng và Vương Kỳ.) Nó chỉ là thành 誠 mà thôi. 誠 是 心 之 本 體 (Trả lời cho Chí Đạo 志 道. Truyền Tập Lục, thượng.)

Vì chỗ bất động đó, cho nên bổn thể của tâm khó thấy. Người quân tử học đạo, phải nhân cái dụng mà tìm lấy cái thể. Vì thể với dụng chỉ ở một nguồn mà thôi Biết được cái nầy, thời biết được cái kia.

夫 體 用 一 源 也 知 體 之 所 以 爲 用 則 知 用 之 所 以 爲 體 者 矣 雖 然 體 微 而 難 知 也 用 顯 而 易 見 也

(thơ cho Uông Thạch Đàm. Văn Lục, Thơi)

Dụng của tâm có hai thể: cảm động và phát động. Cứ thể cảm động, thời dụng của tâm là tình. 情, 心 用 也 (Cũng trả lời cho Uông Thạch Đàm.) Mừng giận, buồn vui, tư tưởng, tri giác, đều do tâm phát ra.

喜 怒 哀 樂 之 與 思 與 知 覺 𤽤 心 之 所 發,

(Cũng trong thơ trên đây.) Những cái đó tiên sinh gọi là tình, Cứ thể phác động, thời dụng của tâm là ý. 指 心 之 發 動 處 謂 之 意 (Trả lời cho Cữu Xuyên. Truyền Tập Lục, hạ.) 以 其 主 宰 發 動 而 言 則 謂 之 意 (Thơ trả lời cho La Khâm Thuận 羅 欽 順, Truyền Tập Lục, trung.) Tình, tự vật mà đến tâm. Ý, tự tâm mà đến vật[9]. Không có vật, tình ý đều không có. Ý chưa hề huyền không bao giờ, mà nó phải dựa nơi sự vật. 意 未 有 懸 空 的, 心 着 事 物 (Trả lời cho Cữu Xuyên. Truyền Tập Lục, hạ.) Nhưng vật đây không ngoài tâm như trên đã nói nghĩa là cũng không ngoài ý. Phàm dùng ý đến chỗ nào, là có vật ở chỗ đó. 凡 意 之 所 用 無 有 無 物 者 (Thơ trả lời cho Cố Đông Kiều. Truyền Tập Lục, trung.) Chỉ về hình thể, thời gọi là thân, chỉ về sự chủ tể, thời gọi là tâm; chỉ về chỗ phát động, thời gọi là ý, chỉ về sự linh minh của ý, thời gọi là tri, chỉ về chỗ ý đi đến, thời gọi là vật. Mà thân, tâm, ý, tri, vật, thật ra, chỉ là một mà thôi.

指 其 充 塞 處 言 之 謂 之 身, 指 其 主 宰 處 言 之 謂 之 心 指 心 之 發 動 處 謂 之 意, 指 意 之 靈 明 處 謂 之 知, 指 意 之 涉 著 處 謂 之 物 只 是 一 件?

(Trả lời cho Cữu Xuyên. Truyền Tập Lục, hạ.) Tâm tức là vật. Ngoài tâm không có vật. Nếu ngoài tâm không có vật, thời ngoài tâm cũng không có lý. Tâm tức là lý « Vật lý không ngoài tâm ta. Ngoài tâm ta mà cầu vật lý, thời không có vật lý... Cho nên như có cái tâm hiếu với cha mẹ, thời tức có cái lý của sự hiếu, không có cái tâm hiếu với cha mẹ, thời tức không có cái lý của sự hiếu... »

失 物 理 不 外 於 吾 心 外 吾 心 而 求 物 理 無 物 理 矣, 故 有 孝 親 心 即 有 孝 之 理 無 孝 親 之 心 卽 無 孝 之 理 矣,

(Trả lời Cố Đông Kiều Truyền Tập Lục, trung.) Thuận dòng tư tưởng đó, tiên sinh nói luôn: « ngoài tâm không có sự, ngoài tâm không có nghĩa, ngoài tâm không có thiện » 心 外 無 事, 心 外 義 心 外 無 善 (Thơ cho Thuần Phủ 純 甫. Văn Lục.)

Mục đích của luân-lý là đi tìm « thiện »; Mà thiện là gì? Tiên sinh đáp: « Tâm của ta xử sự vật mà ròng theo lý, không có bị nhân-ngụy tạp nhạp, ấy gọi là thiện. Thiện không phải có định sở ở nơi sự vật đâu, mà đi tìm nó nơi sự vật.  »

吾 心 之 處 事 物 已 乎 理, 而 無 人 爲 之 雜, 謂 之 善 非 在 事 物 有 定 所 之 可 求 也

(Cũng thơ cho Thuần Phủ.)

Tới đây thấy rõ lập thuyết của Vương Dương Minh rồi, nên dẫn ra lời tiên sinh chỉ trích Châu Hy. Châu Hy có nói: « Cái mà chí của con người lấy đó làm đạo học là tâm với lý mà thôi » 人 志 所 以 爲 學 者, 心 與. 而 已 Tiên sinh bảo: « Tâm tức là tính. Tính tức là lý. Gieo xuống một chữ «với» (與 字) e rằng không khỏi làm cho tính với lý chia ra làm hai. »

心 卽 性, 性 卽 理 下 一 與 字 恐 未 免 爲 二

(Trả lời cho Mạnh Nguyên 孟 源. Truyền Tập Lục, thượng.)

Cái tệ là do chỗ tách tâm với lý ra. Tệ ấy kéo dài sau Châu Hy ba trăm năm trời. Bởi không biết gốc thiên-lý là ở nơi con tâm của ta, nên thế-nho mới bỏ cái gần, đi cầu cái xa xôi, bỏ cái dễ đi tìm cái khó khăn, mà rối-rít lăng xăng, lấy tư-trí mà làm cao với nhau lấy khách khí mà tranh cạnh với nhau, càng ngày càng sa xuống mực cầm thú, mọi rợ mà không biết. Gián hoặc có kẻ nào riêng thấy đó là quấy, mà hơi biết trở lại cầu nơi nguồn gốc, ắt chúng xúm lại chê cười, và cho là theo « dị học » mà bài xích.

莫 知 天 理 之 在 吾 心, 舍 近 求 遠 舍 易 求 難 紛 紜 交 騖 以 私 智 相 高, 客 氣 相 競, 自 陷 於 禽 獸 夷 狄 而 不 知, 間 有 獨 覺 其 非 而 畧 知 反 求 其 本 源 者, 則 又 群 相 詬 矣 斥 爲 異 學

(Văn tế Tiết Thượng Triết.) Vương Dương Minh bảo rằng bọn nho ấy làm cho đạo triển chuyển đến chi ly mà gây ra nạn lục trầm. 展 轉 支 離 歎 陸 沈 (trong bài thi Sơn trung thị chư sinh, năm 1513.)

  1. La philosophie est la recherche de la raison des choses, tant sensibles qu'intelligibles, par la raison de l'homme soumise à sa double auto-critique interne et externe. —

    Mỗi nhà triết học mỗi định nghĩa chuyên khoa mình một cách riêng. Không biết phải lấy định nghĩa nào, bỏ định nghĩa nào, tác giả miễn cưỡng dự trình cái định nghĩa trên đây — Đã dùng tiếng ta, lại dịch tiếng pháp là vì tác giả kém về cả hai thứ tiếng. sợ e dùng thuần một thứ tiếng nào sẽ có chỗ hàm hồ, nên chi dùng cả hai để bổ cứu nhau —

    Xin tham khảo điều « philosophe » và điều « philosophie » trong bộ Vocabulaire de la Philosophie của A. Lalande (Paris, Alcan xuất bản)

  2. — Chữ catharsis làm ra tiếng pháp catharte (loài kên kên bên Mỹ châu, tẩy tịnh những xác chết thúi tha) và cathartique (danh từ y học, nghĩa là thuốc hoạt trường)
  3. — Chữ épokê làm ra tiếng pháp époque (thời đại). Một thời đại là một chặn huyền ngưng trong thời gian.
  4. — Une teinte de spéculation.
  5. — Huấn cỗ 訓 詁 là giải nghĩa kinh truyện (Exégèse). Chữ « cỗ », có người đọc là « hỗ ».
  6. — Châu Hy mất năm 1200. Vương Dương Minh sinh năm 1472.
  7. Lời chép nơi kinh Thơ, phần Ngu Thơ. Vương Dương Minh dẫn ra nhiều lần.
  8. Vương học 王 學 là tiếng người Tàu chi học thuyết Vương Dương Minh. Cũng gọi là Dư-Diêu học phái, lấy tên quê quán của tiên sinh,
  9. — Tình là affection, ý là volition.