Bước tới nội dung

Vương Dương Minh/Phần nhì/VI-1

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

1. cách vật

Trung khu của học thuyết Tống nho là cách vật 格 物 để trí tri 致 知. Nghĩa là cách vật để biết lý của nó cho đến nơi đến chốn.

Một chữ « cách » trong câu « cách vật trí tri » ở sách Đại Học, giải nghĩa sai lầm, đã dẫn Tống Nho đi đến chỗ chi ly quyết liệt. Trong kinh Thơ, phần « Thuấn Điển » có câu: « Thuấn cách vu Văn Tổ » Nghĩa là vua Thuấn đi đến miếu Văn Tổ. Lại cũng trong kinh Thơ, phần « Đại Vũ Mô » có câu: « Thất tuần Hữu Miêu cách ». Nghĩa là bảy tuần (70 ngày) sau, dân Hữu Miêu đến. Trong hai câu đó, chữ « cách » đều có nghĩa là « đi đến ».

Vịn theo cái nghĩa này, Tống-nho cắt nghĩa chữ « cách vật » là đi đến chỗ vật.

格 字 之 義 有 以 至 字 訓 者 如,, 格 于 文 祖,, 有 苗 來 格,, 是 以 至 訓 者 也

(Thơ trả lời Cố Đông Kiều Truyền Tập Lục, trung) Châu Hy gọi rằng « cách vật » là đi đến ngay chỗ vật mà xét cho cùng cái lý của nó. Bất kỳ sự sự vật vật nào cũng đi cho đến mà xét, mà cầu cái định lý.

朱 子 所 謂 格 物 云 者 在 卽 物 而 窮 其 理 也 卽 物 窮 理 是 就 事 事 物 物 上 求 其 所 謂 定 理 者 也,

(Thơ trả lời Cố Đông Kiều. Truyền Tập Lục, trung). Xem lời Châu Hy trong Đại Học chương cú của người).

Mọi người đều nói: « Cách vật phải làm theo Châu Hy ». Nhưng ai đã từng làm theo? Vương Dương Minh thời đã từng có làm theo như thế. Năm 21 tuổi mới đỗ cử nhân, tiên sinh muốn làm thánh hiền. Và cho rằng muốn làm được thánh hiền chỉ cần phải « cách » những vật trong thiên hạ. Nhân đó mà với Tiền Hữu Đồng 錢 有 同 cùng nhau thử « cách » vật lý của đám trúc trước sân. Họ Tiền hôm sớm tìm thế cùng « cách » đạo lý của cây trúc. Song le, lấy hết tâm tư, đến ba ngày không tìm được gì cả, mà thấy tinh thần lao khổ đến sinh bệnh. Tiên sinh cho là họ Tiền không đủ tinh lực. Bèn đích thân cùng « cách » vật lý thử xem. Nhưng mãi cũng không thấy gì được Đến bảy ngày, chẳng hơn gì họ Tiền. tiên sinh lại cũng lao tứ mà thành bệnh, đành than rằng thánh hiền phải có phận mới làm được.

Về sau tiên-sinh đọc thấy Trình Minh Đạo có câu: « Ta viết chữ rất kính cẩn, không phải cầu cho chữ tốt, mà chỉ vì có thế mới là học. Đã không cầu chữ tốt, sao lại còn tập viết làm gì? Phải biết rằng cổ nhân tùy thời, tùy sự, chỉ học tại nơi con tâm. Cái tâm ấy mà tinh minh, thời điệu chữ do đó mà tốt »: Câu nói của Trình Minh Đạo làm cho tiên sinh tỉnh ngộ biết rằng muốn cách vật không phải chạy theo vật, mà phải cứ nơi con tâm. Rồi ba năm đi đày ở Long Trường tiên sinh chung lộn, kham khổ với giống mọi rợ, nghĩ tìm đạo xử khổn của thánh nhân, càng thấy rõ thánh nhân trong cảnh ngộ như thế, không ra ngoài tâm. Bấy giờ mới tham hiểu « vật trong thiên hạ nhiều quá, vốn không có thể nào cách cho được hết, cái công phu cách vật chỉ phải đem dùng tại nơi thân tâm mà thôi. »

方 知 天 下 之 物 本 無 可 格 者 其 格 物 之 功 只 存 心 身 上 做.

(Truyền Tập Lục, hạ).

Tiên sinh xét ra Tống nho cắt nghĩa chữ « cách » là « chí » 至 (đi đến) thời sai lầm. Câu « Thuấn cách vu Văn Tổ » có cái nghĩa thành kỉnh, trong u-minh cũng không có một mảy nào không được phải lý, mới gọi là « cách ». Đến như trong câu « Hữu Miêu cách » chữ « cách » cũng có nghĩa là dân Miêu ngoan ngạnh mà cảm văn đức rồi sau mới đến. Vậy thời chữ « cách » có gồm cái nghĩa là chánh 正, (làm cho chánh đáng), chớ một chữ « chí » không đủ nghĩa.

然 格 千 文 祖 必 純 存 誠 敬 幽 明 之 間 無 一 不 得 其 理 而 後 謂 之 格; 有 来 之 頑 實 以 文 德 誕 敷 而 後 格 則 亦 兼 有 正 字 之 義 在 其 間 未 可 專 以 至 字 尽 之 也,

(Thơ trả lời Cố Đông Kiều. Truyền Tập Lục, trung).

Cái nghĩa nầy thấy rõ trong câu kinh Thơ thiên « Quýnh Mạng »: « Cách kỳ phi tâm ». 格 其 非 心. Cũng thấy rõ trong câu sách Mạnh Tử, chương « Ly Lâu »: « Duy đại-nhân vi năng cách quân tâm chi phi » 惟 大 爲 能 格 君 心 之 非, Cách ở đây là làm cho trở nên chánh đáng điều không chánh đáng, để đem về nơi chánh đáng 正 其 不 正 以 歸 於 正. Chớ còn dùng một chữ « chí » mà cắt nghĩa chữ « cách » ở chỗ nầy sao đủ nghĩa? Nếu chữ « cách » chỉ có nghĩa là « chí », thời sách Đại Học nói « cách vật trí tri » chỉ là nói « cùng chí cái lý của sự vật » 窮 至 事 物 之 理, Như thế thời dụng công chỉ ở nơi suy cứu cho cùng, dụng lực chỉ ở nơi tìm lý. Nếu cùng cái lý rồi mà trí tri, thời sao thánh nhân không nói « trí tri tại cùng lý » 致 知 在 窮 理, mà phải nói « trí tri tại cách vật »? 致 知 在 格 物. Tất cái nghĩa của « cách vật » phải gồm « trí tri, thành ý, chánh tâm » 致 知 誠 意 正 心. Chỉ một tiếng « cùng lý », không đủ. Phải có « chánh tâm » mới thật là trí-tri, mới thật là trí lương tri. Biết đến suốt tột cái lý, mà không chánh cái tâm, thời chưa là tri hành hiệp nhất, nghĩa là chưa biết. (Xem Truyền Tập Lục, trung).

Chữ « cách » cắt nghĩa là « chánh » như thế, thời « cách vật » phải cắt nghĩa là « chánh cái vật, làm cho cái vật được chánh đáng ». Vật mà muốn làm cho nó chánh đáng là làm sao? Nên nhắc rằng Vương Dương Minh định nghĩa chữ « vật » như vầy: « Chỉ về hình thể, thời gọi là thân; chỉ về sự chủ tể, thời gọi là tâm: chỉ về chỗ tâm phát động, thời gọi là ý: chỉ về sự linh minh của ý, thời gọi là tri, chỉ về chỗ ý đi đến thời gọi là vật. Mà tâm, ý, tri, vật, thật ra, chỉ là một mà thôi ». Như thế thời « vật » không phải là cái có hình chất ở ngoài ta, mà « vật » chính là trong ta, trong tâm, trong ý ta Vương Dương Minh nói: « Vật là sự Phàm ý mà phát động, tất là có sự. Cái sự mà ý ở vào đó, gọi là vật ».

物 者 事 也 允 意 之 所 發 必 有 其 事 意 所 在 之 事 謂 之 物

(Đại Học Vấn).

Vật chỉ là sự. Sự là chỗ ý nằm đó. Ý là phát động của tâm Vậy thời cách vật tức là chánh cái sự, tức cũng là chánh cái ý, tức cũng là chánh cái tâm, làm cho cái tâm đúng ở chỗ « vị phát chi trung ».

Cách vật có nghĩa là chánh tâm. Cho nên cái công phu trong sự cách vật là « chỉ chí thiện ». Bao giờ đã biết chí thiện là biết cách vật.

格 物 是 止 至 善 之 功 旣 知 至 善 卽 知 格 物 矣

(Trả lời cho Từ Ái. Truyền Tập Lục, thượng).

Tăng Tử « phản cầu chư kỷ » 反 求 諸 己 là phải hơn Tử Hạ « đốc tín thánh nhân » 篤 信 聖 人. Vì nếu ở nơi tâm không thấy lý, thời còn tìm lý nơi lời thánh nhân sao được? Cái tâm cũng như cái gương. Tâm của thánh nhân như cái gương sáng. Tâm của thường nhân như cái gương mờ. Châu Hy gọi « cách vật » là sự theo vật mà cùng cứu cái lý của nó Làm như thế là lấy cái tâm mà cầu lý nơi sự vật, cũng như lấy cái gương mà soi vật Dụng công ở chỗ « soi ». Chẳng biết rằng nếu cái gương mà đã mờ thời còn soi gì được. Vương Dương Minh thời cho cách vật cũng như là mài gương cho sáng. Dụng công ở chỗ « mài », không có dụng công ở chỗ « soi » Mà rồi một khi gương đã sáng thời không gì nó không soi. Việc « mài » gương, với việc « soi » gương, gốc, ngọn khác nhau vậy. Việc cầu nơi tâm mà tìm lý của sự vật, với việc lấy tâm mà chạy theo sự vật để cầu lý, cũng khác nhau ở chỗ gốc, ngọn vậy. Phàm lấy tâm mà chạy theo sự vật để cầu lý, thí như cầu cái lý của sự hiếu nơi cha mẹ. Nếu cầu cái lý của sự hiếu nơi cha mẹ, thời cái lý của sự hiếu chẳng là không ở nơi tâm của ta sao? Chẳng là cai lý của sự hiếu nó lại ở nơi thân hình của cha mẹ ta sao? Lại thí như thấy người sa xuống giếng khơi ắt có cái lý trắc ẩn Cái lý trắc ẩn đó, há nó ở nơi thân hình của người bị sa xuống giếng khơi kia sao? Há nó ở nơi cái giếng khơi kia sao? Cái lý của sự trắc ẩn, cái lý của sự hiếu cái lý của sự sự vật vật đều ở nơi tâm ta cả. (Xem Truyền Tập Lục, trung.)

Vậy thời cách vật là cách cái vật trong tâm của ta, cách cái vật trong ý của ta, cách cái vật trong tri giác của ta.

格 物 者 格 其 心 之 物 也 格 其 意 之 物 也 格 其 知 之 物 也

(Truyền Tập Lục, trung.) Ý nghĩa « cách vật » của sách Đại Học, triệt thủ triệt vĩ chỉ là bấy nhiêu. Từ kẻ mới bắt đầu học cho đến bậc thánh nhân cũng chỉ có một cái công phu đó mà thôi. Cách vật không phải cách cái vật ở ngoài tâm của ta, mà phải hiệp tâm và lý làm một.

Cách vật, là làm đều thiện, xua đều ác 爲 善 去 悪 是 格 物 (Lời dạy cuối cùng cho Đức Hồng và Nhữ Trung.) Thiện, ác trên kia đã nói. Thiện là ròng theo thiên lý. Ác là cái gì thái quá, hay bất cập, nhích sai thiên lý.

Cách vật chỉ là cách cái vật trong tâm, nghĩa là cứ cái tâm, không phải cứ nơi vật. Vì vậy, dầu cho là cach một vật mà cũng đủ cả các vật khác. Bởi chánh được cái tâm, là cái gốc, thời là trọn. Hoàng Dĩ Phương 黃 以 方 nói: « Thuyết cách vật trí tri, là tùy thời tùy vật mà trí tri, ắt là được cái tri về một chi tiết, không được cái tri về toàn thể. » Vương Dương Minh bảo: « Tâm của ta như trời, như vực. Cái bổn thể của tâm có gì là không gồm ở trong? Thí như ta thấy vòm trời trước mắt, vì bị tường khuất, không thấy được toàn thể của trời. Nhưng nếu ra ngoài xem rộng bốn phương thấy trời được trọn đủ, ta không thể cho rằng trời nầy với vòm trời của ta ngồi trong thấy, có khác nhau. Cái bổn thể của trời bao giờ cũng là một. Tuy là một vòm trời cũng vẫn có bổn thể của toàn thể trời ở trong đó. Thời sao nói được rằng ta chỉ biết có một chi-tiết, khi ta chỉ tùy thời tùy vật mà cách vật trí tri. Cho nên « Cái trí-thức về một chi tiết cũng là tri thức về toàn thể, tri thức về toàn thể cũng tức là tri thức về một chi tiết, đều là một bổn thể mà thôi. »

一 節 之 知 卽 全 体 之 知 全 体 之 知 卽 一 節 之 知 總 是 一 箇 本 体

(Truyền Tập Lục, trung.) Tại nơi thân tâm mà tìm vật lý, là việc gần gũi, dễ dàng người người đều làm được. Và quyết nhiên như thế, người người đều có thể làm thánh hiền. Mà dẫu cho con trẻ cũng có thể làm được việc cách vật ấy — Thí như con trẻ chưa biết gì, chỉ phải rưới nước quét nhà và học ứng đối. Việc rưới nước quét nhà và học ứng đối ấy là một vật. Lương tri con trẻ chỉ biết có đến đó, thời tùy đó mà dạy con trẻ cách vật, khải cái lương tri nó, cho biết kính thầy kính kẻ bề trên. Như thế là con trẻ tự có cách vật trí tri của con trẻ Từ con trẻ đến thánh nhân, từ kẻ hái củi cho đến bậc công khanh đại phu hay thiên tử đi nữa, cũng chỉ một cái công phu cách vật trí tri, có khác nhau chăng là khác về trình độ, chớ về bổn thể chẳng khác nhau gì cả

Trình tử nói « tại vật vi lý « 在 物 爲 理 Vương Dương Minh bảo: trên chữ « tại » phải thêm chữ « tâm », mà nên nói: tâm tại vật tắc vi lý. 心 在 物 則 爲 理. Như thế vật, lý đều nằm trong tâm. Muốn cách vật, phải cách ở cái tâm đó mà thôi.

Thuyết cách vật, cũng như bao nhiêu những thuyết khác của Vương Dương Minh, cũng là dẫn trở về tâm, về luân lý đạo đức. Cách vật là công phu để thành ý 誠 意. Nếu chẳng vụ nơi thành ý mà đi cách vật thời là chia lìa (tâm vật làm hai). Nếu chẳng vụ nơi cách vật mà cầu thành ý thời là hư. Nếu chẳng lấy gốc nơi trí tri mà đi cách vật, thành ý, thời là vọng Chia ly, hư, vọng, đều xa mất chí thiện.

不 務 於 誠 意 而 徒 以 格 物 者 謂 之 支 不 亊 於 格 物 物 而 徒 以 成 意 者 謂 之 虛 不 本 於 致 知 而 徒 以 格 物 誠 意 者 謂 之 妄 支 與 虛 與 妄 其 於 至 善 也 遠 矣.

(Tự cho Đại Học Cổ Bổn) Công phu theo sách Đại Học là « minh minh đức ». « Minh minh-đức » chỉ là cái « thành ý » mà thôi. Công phu của « thành ý » là cách vật trí tri. Nếu lấy « thành ý » làm chủ rồi dùng cái công phu đi cách vật trí tri, thời cái công phu đó mới có chỗ hạ lạc. Như làm lành đuổi dữ, chẳng có cái nào không phải là việc thành ý. Chớ như theo bổn Đại Học mới của Châu Hy mà cùng cách cái lý của sự vật thời mênh mông man-mác không biết trước lạc ở chỗ nào được.

大 學 工 夫 卽 是 明 明 德 只 是 個 誠 意 誠 意 的 工 夫 只 是 格 物 致 知 若 以 誠 意 爲 主 去 用 格 物 致 知 的 工 夫 卽 工 夫 始 有 下 落 卽 爲 善 去 悪 無 非 是 誠 意 的 是 如 新 本 先 生 窮 格 事 物 之 理 卽 芒 芒 蕩 蕩 都 無 看 落 處,

(Đáp Sái Hy Uyên. Truyền Tập Lục, trung).

Thành ý là thành cái ý về vật. 誠 意 者 誠 其 物 之 意 也 (Truyền Tập Lục, trung). Nói về mình thời cái công phu thành ý cách vật, là « minh minh đức » 明 明 德. Nói về sự đối với người thời cái công phu ấy là « thân dân » 親 民 (Tựa cho Đại Học Cổ Bổn). Rốt lại, cách vật là chánh cái tâm cho nó ròng theo thiên lý, minh minh-đức, thân dân, chỉ ư chí thiện. Cách vật phải lấy chí thiện làm mục đích.

Sách Đại Học nói: « Trí tri tại cách vật ». Cách vật đã biết là cách cái vật trong tâm, là làm cho chánh cái tâm. Trí tri là gì? Trí tri là làm cho cái lương tri của ta về sự sự vật vật được đến nơi đến chốn. Lương tri của là cái gọi rằng thiên lý. Làm cho thiên lý ấy đối với sự sự vật vật được đến nơi đến chốn, ắt là sự sự vật vật đều phải cái lý của nó... Sự sự vật vật đều phải cái lý của nó, là cách vật. Trí tri cách vật tức là làm cho tâm với lý hiệp làm một vậy.

若 鄙 人 所 謂 致 知 格 物 者 致 吾 心 之 良 知 於 事 事 物 物 也 吾 心 之 良 知 卽 所 謂 天 理 也, 知 吾 心 良 知 之 天 理 於 事 事 物 物 則 事 事 物 物 𤽤 得 其 理 矣, 致 吾 心 之 良 知 者 致 知 也 事 事 物 物 皆 得 其 理 者 格 物 者 是 合 心 與 理 爲 一 者 也

(Truyền Tập Lục, trung).

Nếu tâm với lý chưa hiệp làm một, thời chưa có chân tri. Như đạo hiếu thờ cha mẹ. Biết tiết nào quạt nồng, tiết nào ấp lạnh, biết phụng dưỡng nên như thế nào, đó là cái gọi rằng biết (tri) mà chưa gọi được rằng biết đến nơi (trí tri). Tất phải làm cho đến nơi cái điều biết tiết nào nên quạt nồng tiết nào ấp lạnh, mà thân tự thật hành sự quạt nồng ấp lạnh; phải làm cho đến nơi cái điều biết nên phụng dưỡng như thế nào mà thân tự thận hành sự phụng dưỡng; có như thế rồi sau mới gọi được là trí tri. Cái việc quạt nồng ấp lạnh, việc phụng dưỡng, ấy mới gọi là vật, mà chưa phải là cách vật. Tất phải do cái lương tri biết về sự quạt nồng ấp lạnh, về sự phụng dưỡng, mà làm cho không có một mảy may nào không hết, rồi sau mới nói được là cách vật. Cái việc quạt nồng ấp lạnh cái việc phụng dưỡng, « cách » được rồi, thời sau đó cái lương tri về việc quạt nồng ấp lạnh, về việc phụng dưỡng mới là « trí ». Cho nên sách Đại Học nói: « vật cách nhi hậu tri chí » 物 格 而 後 知 致. (Xem Truyền Tập Lục, trung. Trả lời cho Cố Đông Kiều).

Cách vật là cách cái vật trong tâm, cách cái vật trong ý, cách cái vật trong sự biết) (知). Trí tri là trí cái tri về vật đó.

格 物 者 格 其 心 之 物 也 格 其 意 之 物 也 格 其 知 之 物 也 致 知 者 致 其 物 之 知 也

(Thơ trả lời La Khâm Thuận. Truyền Tập Lục, trung),

Trí tri với cách vật, như thế, không có cái nào rời được cái nào. Hai cái là một mà thôi. Nói về vật thời gọi rằng cách mà nói về chỗ biết thời gọi rằng trí.

就 物 而 言 謂 之 格 就 知 而 言 謂 之 致

(Cùng thơ cho La Khâm Thuận).

Một điểm lương tri là cái chuẩn tắc của ta. Ý niệm của ta phát ra hễ thị thời cái lương tri ấy nhận rõ là thị, hễ phi thời nó nhận rõ là phi, không sai một mảy may nào. Ta phải khu khu dựa theo nó mà hành động, mà giữ điều thiện, xua điều ác. Như thế là chân quyết của cách vật, là thật công của trí tri.

尒 那 一 點 良 知 是 爾 自 家 底 準 則 爾 意 念 看 處 他 是 便 知 是 非 便 知 非 更 瞞 他 一 些 不 得 爾 只 不 要 欺 他 實 實 落 落 依 看 他 做 去 善 便 存 要 便 去 此 便 是 格 物 的 真 訣 致 知 的 實 功

(Trả lời cho Cữu Xuyên. Truyền Tập Lục, hạ).

Hai chữ « trí tri » là cái bí quyết của bậc thánh muôn đời truyền lại.

(Trả lời Cữu Xuyên). Nhưng chúng ta muốn trí tri, thời mỗi người phải tùy phận hạn của mình kịp đến đâu thời làm đến đó. Như nay lương tri ta thấy chỗ nầy, thời tùy cái chỗ biết đó mà khuếch sung cho đáo để; mai lương tri ta lại thấy thêm chỗ khác, thời tùy cái chỗ biết thêm đó mà khuếch sung cho đáo để. Đó chính là cái công phu « tinh nhất ». Cùng với người khác luận về đạo học cũng tùy cái phận hạn của người ta kịp đến đâu thời luận đến đó. Thí chẳng khác nào phép trồng trỉa. Như hột mới mầm mống, phải tưới ít nước. Mầm hơi lớn lên, tưới thêm nhiều nước hơn, càng lớn càng phải thêm nước càng nhiều, tùy phận hạn cái cây đến đâu mà tưới cho vừa. Nếu như mộng mới nảy mà giội cho nó một thùng nước thời nó trốc văng, mà thúi bẩy đi.

若 些 小 萠 芽 有 一 桶 水 在 盡 要 傾 上 便 涭 他 了,

(Lời Hoàng Trực 黃 直 lục ra. Truyền Tập Lục, hạ)

Vương Dương Minh dạy môn nhân, nói: « Ta cùng chư quân giảng trí tri cách vật, ngày ngày như thế, giảng mười năm, hai mươi năm cũng như thế. Chư quân nghe lời ta, hãy đi dụng công cho thật, rồi sẽ thấy một phen nghe ta giảng có tấn bộ một phen, nếu không được vậy thời chỉ là làm một trường nói suông rỗng tuếch, nghe mà dùng về việc gì! »

吾 與 諸 公 講 致 知 格 物 日 日 是 此 請 一 二 拾 年 俱 是 如 此 諸 君 聽 吾 言 實 去 用 功 見 吾 講 一 番 自 覺 長 見 一 番 否 則 只 作 一 場 說 話 雖 聽 之 亦 何 用,

(Truyền Tập Lục, hạ).

« Có một viên thuộc quan, nhân đã từ lâu nghe [Vương Dương Minh] tiên sinh giảng học, nói rằng: « Cái học ấy rất hay, chỉ vì tôi bị những bộ sổ, án từ phiền tạp quá, không theo học được ». Tiên sinh nghe, mà bảo rằng: « Ta nào có từng dạy ngươi lìa bỏ những bộ sổ, án từ, mà đi giảng học bông lông hay sao? Ngươi đã có cái chức trách làm việc quan, thời cứ theo ngay trong cái chức trách làm việc quan ấy mà tìm đạo học, ấy sẽ là được chân chánh cách vật. Như hỏi một kẻ nào trong khi kiện thưa, mà họ ứng đối không ra lề lối, thời chớ sinh lòng giận; chớ vì họ nói năng rành rọt mà sinh ra lòng mừng; chớ nên ghét vì họ chúc thác mà gia ý trừng trị; chớ nên vì họ thỉnh cầu mà khuất ý theo họ; chớ nên vì sự vụ phiền nhũng mà tùy ý cẩu thả xử đoán; chớ nên vì kẻ bàng nhân gièm pha mà xử đoán theo ý người ta Bao nhiêu những cái ý tứ đó đều là cái tư tâm tư ý. Ngươi chỉ cứ nơi chỗ biết của ngươi mà kỹ càng xét nét, khắc trị cái tư tâm tư ý ấy, chỉn sợ cái tâm ngươi có mảy may nào thiên ỹ, làm điên đảo sự thị phi của người ta. Như thế tiện thị là cách vật trí tri rồi. Trong việc sổ bộ, án từ, không phải không có thật học được. Nếu ngươi lìa bỏ sự vật mà đi tìm đạo học, thời là sự hão huyền ». (Truyền Tập Lục, trung)